Vietinbank, BIDV, Vietcombank và Agribank đang cho các DNNN vay 277.763 tỷ đồng, chiếm 67% tổng dư nợ của cả hệ thống ngân hàng.
Theo đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước của Bộ Tài chính, tính đến tháng 9/2011, dư nợ vay ngân hàng của Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là 415.347 tỷ đồng tương đương 16,9% tổng dư nợ cả nước. Trong đó, 12 tập đoàn kinh tế nhà nước vay 218.738 tỷ, chiếm 8,76%.
Bốn tập đoàn nợ lớn nhất là PetroVietnam (72.300 tỷ), EVN (62.800 tỷ), Vinacomin (20.500 tỷ) và Vinashin (19.600 tỷ). PetroVietnam đã vượt qua EVN trở thành tập đoàn có dư nợ lớn nhất, cuối 2008, dư nợ tập đoàn này chỉ ở mức 21.477 tỷ.
Theo các số liệu trong báo cáo tài chính 2011, Vietinbank là ngân hàng cho vay DNNN lớn nhất với giá trị 106.845 tỷ đồng, chiếm 36,4% tổng dư nợ của ngân hàng này. Bao gồm các khoản vay của công ty TNHH 1 thành viên vốn Nhà nước 100% và TNHH trên 1 thành viên vốn Nhà nước trên 50%, Công ty Nhà nước, CTCP Vốn Nhà nước trên 50%.
So với năm 2010, dư nợ cho vay DNNN của Vietinbank tăng thêm 18%, tương đương 16.197 tỷ đồng. Năm 2011, dư nợ của ngân hàng này tăng 25% đạt 293.937 tỷ đồng, chỉ đứng sau dư nợ của Agribank.
BIDV là ngân hàng có dư nợ cho vay DNNN lớn thứ 2 với giá trị 91.190 tỷ đồng, chiếm 31% tổng dư nợ 2011 của ngân hàng này. So với năm 2010, BIDV đã giảm dư nợ DNNN 1.900 tỷ đồng, tương đương 2,1%.
Vietcombank cũng cho vay các DNNN hơn 55.776 tỷ đồng, chiếm 27% tổng dư nợ của cả ngân hàng. Năm 2011, khoản dư nợ này đã giảm 5.519 tỷ đồng trong khi tổng dư nợ của Vietcombank đã tăng 18% đạt 209.417 tỷ đồng.
Đáng chú ý là dư nợ DNNN của Agribank chỉ là 23.953 tỷ đồng, thấp hơn cả Vietinbank, BIDV và Vietcombank. Con số của Agribank được ước tính dựa trên tỷ lệ dư nợ DNNN công bố năm 2010. Theo BCTN 2010 của ngân hàng này, tỷ lệ cho vay khu vực DNNN là 5,4% trên tổng dư nợ 414.755 tỷ đồng, tương đương 22.396 tỷ đồng. Năm 2011, Agribank tăng trưởng tín dụng 7%, do đó ước tính dư nợ cho vay DNNN cũng tăng 7% và đạt 23.953 tỷ đồng.
Trong số các ngân hàng còn lại trong top 10 ngân hàng có dư nợ lớn nhất cho vay DNNN, MB cho vay đến 13.857 tỷ đồng, chiếm 23,5% tổng dư nợ. Eximbank cũng cho vay khoảng 9.000 tỷ đồng chiếm 12,1% dư nợ. Các ngân hàng còn lại là ACB cho vay 3.316 tỷ, Sacombank cho vay 3.677 tỷ, Tecombank cho vay 2,939 tỷ, SCB cho vay 800 tỷ.
Đáng chú ý là hai ngân hàng chuẩn bị sáp nhập là SHB và HBB cũng có dư nợ cho vay DNNN khá lớn, đặc biệt là SHB. Theo đó, SHB cho vay DNNN 4.216 tỷ đồng, chiếm 14,5% tổng dư nợ còn HBB cho vay 1.767 tỷ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ. Sauk hi sáp nhập, dư nợ cho vay DNNN của SHB sẽ đạt khoảng 10%.
Tổng dư nợ cho vay DNNN của các ngân hàng có công bố chi tiết và con số ước tính Agribank là 317.355 tỷ đồng, bằng 76% con số mà đề án của Bộ Tài chính công bố.
30 ngân hàng còn lại không công bố báo cáo chi tiết cập nhật về phân loại dư nợ cho vay DNNN có tổng dư nợ khách hàng khoảng 500.000 tỷ, chiếm 20% tổng dư nợ của cả hệ thống ngân hàng.
Theo:Dddn.