Ứng xử với đồng nghiệp nơi công sở

Bạn thử tính xem, một ngày có 24 giờ, và trong 24 giờ đó có bao nhiêu thời gian bạn ở công ty, bao nhiêu thời gian bạn dành cho cá nhân và bao nhiêu thời gian bạn dành cho gia đình. Nếu làm một phép tính nhẩm đơn giản, chắc chắn rằng thời gian bạn gặp gỡ, tiếp xúc với những người ở công ty chiếm phần lớn. Vậy mà trong thực tế, đa số các công ty vẫn tồn tại không ít những hiềm khích, bất bình giữa các đồng nghiệp với nhau.

Điều này không chỉ mang lại không khí làm việc căng thẳng, mệt mỏi mà còn làm ảnh hưởng tới chất lượng công việc của mỗi người. Đối mặt với nhau ít nhất là 8 giờ mỗi ngày, vì vậy, chúng ta hãy tự mình tạo nên những mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp thay vì những mối quan hệ không đáng có nhé.

Dưới đây là một số lời khuyên có thể giúp bạn tạo được những mối quan hệ tốt với đồng nghiệp của mình.

Không đố kỵ với đồng nghiệp

Bạn không nên có bất kỳ biểu hiện nào đố kỵ với mọi người trong cùng công ty, nó sẽ khiến cho bạn luôn có suy nghĩ không tốt về đồng nghiệp của mình, tạo cho bạn khoảng cách và khó hòa đồng với mọi người. Không biết có phải  ngay từ khi sinh ra, tính đố kỵ đã hiển nhiên tồn tại, tùy với mỗi người mà tính đố kỵ sẽ trỗi dậy khác nhau. Khi đồng nghiệp của chúng ta thăng tiến, được ưu ái, nhiều cơ hội phát triển... thì chúng ta thường có biểu hiện đố kỵ, nói xấu.

Nhưng bạn có biết không, tính đố kỵ lúc thì biểu lộ ra mặt, hằm hè, lúc thì âm thầm và day dứt. Nếu không kìm nén và gạt bỏ sự đố kỵ đó thì bạn sẽ là người đầu tiên chịu khổ cùng nó, hãy biết chấp nhận thành công của người khác với thái độ chia sẻ và thật lòng. Có một câu nói rằng: "Yêu người ta quá làm khổ người ta, ngược lại, ghét người ta quá sẽ làm khổ chính mình", hãy kìm nén và "thuần hóa" tính đố kỵ của bạn để có được sự thoải mái và thiện cảm từ đồng nghiệp của mình.

Hạn chế nhờ vả từ những việc nhỏ nhặt nhất

Hãy đặt bạn vào vị trí của một người luôn bị đồng nghiệp của mình nhờ vả hết việc này đến việc khác. Tất nhiên, đôi khi chúng ta phải nhờ vào sự trợ giúp của mọi người trong công ty, nhưng tất cả đều cần có giới hạn, nếu quá thường xuyên ỷ lại, trông chờ vào người khác thì thật là không nên. Điều đó sẽ khiến cho đồng nghiệp của bạn thấy khó chịu, có ấn tượng không tốt về bạn, dù họ có nói ra hay không. Bạn hãy tự làm tất cả cho mình nếu có thể.

Không tỏ ra quá thân thiện với sếp

Lấy lòng sếp bằng cách hoàn thành tốt công việc và bằng năng lực của mình là điều cần thiết. Nhưng nếu dùng "thủ đoạn" lấy lòng sếp, xu nịnh, luồn cúi thì sẽ làm cho đồng nghiệp của bạn có những ý nghĩ tiêu cực về bạn mà thôi. Bạn cũng nhớ rằng, đừng mang mối quan hệ cá nhân với sếp vào giải quyết những mâu thuẫn, bất bình của bạn với đồng nghiệp nếu có. Và tốt nhất, nên giữ khoảng cách đúng mực trong mối quan hệ giữa sếp và nhân viên trong công việc.

Hãy nghĩ trước khi nói

Nếu bạn đã trót hứa với đồng nghiệp của mình về việc gì đó thì nên giữ lời hứa và thực hiện đúng như những gì bạn đã nói, dù trong mối quan hệ công việc hay cá nhân. Bất kỳ trong việc gì cũng không nên chỉ biết nói mà không biết làm. Không chỉ trích đồng nghiệp của mình khi họ làm sai hoặc không làm tốt một việc gì đó trong công ty. Hãy nhớ rằng, con người cũng có lúc mắc sai lầm, và nếu ở cương vị của bạn, bạn có thể làm tốt hơn đồng nghiệp của mình không?

Trốn tránh trách nhiệm

Có rất nhiều mối quan hệ đồng nghiệp vẫn tốt đẹp cho tới khi công việc sai sót, gặp sự cố không lường trước được. Lúc này ai cũng sợ phải nhận trách nhiệm về mình, phần lớn tất cả mọi người đều e ngại, né tránh trách nhiệm, tìm cách quy tội cho người khác nhằm lấy lòng sếp. Và kết quả là họ sẽ bị đồng nghiệp xa lánh, trở thành người cô độc trong một tập thể. Bạn hãy biết nhận trách nhiệm khi đó là sai sót của bạn, khi bạn chưa thực sự làm tốt công việc và làm đúng nhiệm vụ của mình. Hãy nghĩ rằng đó là một thử thách và chỉ khi vượt qua được thử thách bạn mới cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa.

Không tự biến mình thành kẻ ba hoa, khoe khoang  

Nếu bạn may mắn là người tài giỏi, nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc, cuộc sống luôn thuận lợi, gia đình hạnh phúc thì bạn hãy nhớ rằng, không phải ai cũng được như bạn, bạn không nên mang toàn bộ những chuyện đó nói đi nói lại, khoe khoang với đồng nghiệp trong công ty nhất là những đồng nghiệp không được may mắn như bạn. Nếu bạn muốn đồng nghiệp chia sẻ với mình thì hãy có những cách thông minh để không khiến họ hiểu lầm, không gây tổn thương cho họ.

Bạn cũng đừng bao giờ khuếch đại quá đáng những câu chuyện của bạn, không ba hoa, bốc phét khi bạn chưa thực sự hiểu vấn đề hoặc khi chúng không nằm trong tầm tay của bạn.

Không lôi kéo, bè phái nơi công sở

Bạn hãy nhớ rằng, điều tối kỵ nơi công sở và cũng là điều khó tránh nhất tại các công ty đó là nạn bè phái, "buôn chuyện" và nói xấu sau lưng. Bạn có nghĩ rằng nếu mình làm như vậy với đồng nghiệp của mình thì cũng có lúc bạn bị đồng nghiệp đối xử lại như những gì bạn đã làm. Đó là một tính xấu cần phải tránh, bạn nên đối xử tốt và quan tâm tới mọi người một cách chân thành, không lôi kéo người khác cùng moi móc, nói xấu hay "chọc ngoáy" vào chuyện riêng tư, khuyết điểm của bất kỳ đồng nghiệp nào.

Nếu bạn thấy một ai đó có khuyển điểm, hoặc sai sót, hãy khéo léo và nhẹ nhàng góp ý riêng cho người đó, không nên có hành động bất nhã với đồng nghiệp của mình, hãy chứng tỏ bạn là một người thân thiện và thông minh.

Còn nhiều nữa những kỹ năng cần thiết để gây dựng những mối quan hệ tốt đẹp không chỉ trong công sở mà còn trong cuộc sống. Và xin trích một câu ngạn ngữ tôi đã từng đọc được ở đâu đó: "Đừng bao giờ để lại ngày mai những gì bạn có thể làm hôm nay" . Hãy bắt đầu những ngày mới hạnh phúc bằng mối quan hệ tốt đẹp với mọi người ngay từ hôm nay.

 

Thanh Trang, landao.net


Các tin khác