Tại các địa phương tình hình thu ngân sách nhà nước năm 2012 cũng sẽ hụt thu nhiều so với dự toán. Điển hình như Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến hụt ngân sách Nhà nước so với dự toán khoảng 4.000 tỷ đồng; trong khi nhiều tỉnh ước hụt thu ngân sách Nhà nước so với dự toán khoảng từ 1.000 đến 3.000 tỷ đồng. Tính chung cả nước hụt thu ngân sách Nhà nước cũng được dự báo khoảng 20.000-25.000 tỷ đồng.
Những con số trên cho thấy khả năng thu ngân sách nhà Nước những tháng cuối năm 2012 còn tiếp tục khó khăn đòi hỏi phải có các giải pháp tài khóa linh hoạt với phương châm thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát nhưng đồng thời phải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng khó khăn trên, phó giáo sư-tiến sỹ Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng chính sách tài khóa của Việt Nam chưa thực sự nuôi dưỡng nguồn thu một cách hợp lý.
Ông Lý phân tích: "Chúng ta mới xây dựng chính sách thu nhưng làm thế nào để có nguồn thu thì chính sách tài khóa chưa đề cập một cách thỏa đáng nên nguồn thu giảm sút cũng có phần do chính sách tài khóa tạo ra. Trong khi đó, việc thực hiện chính sách tài khóa chưa được nghiêm, đôi lúc, đôi chỗ còn chưa thực hiện tốt các quy định, quy chế tài chính. Việc chậm nộp thuế, thất thu thuế vẫn còn, chi tiêu lãng phí, thực hành tiết kiệm chưa cao… nên dẫn tới việc thu ngân sách Nhà nước chưa đạt được như mục tiêu đề ra."
Một nguyên nhân khác cũng được nhiều chuyên gia kinh tế nêu ra là do cơ chế tài chính còn rườm rà, phức tạp nên giải ngân của các dự án, công trình gặp nhiều khó khăn gây tổn hại cho tăng trưởng kinh tế.
Trước vấn đề trên, để đạt được mục tiêu ngân sách cho cả năm, các chuyên gia kinh tế cho rằng giải pháp tiên quyết là cần tiếp tục tập trung kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt.
Theo ông Đỗ Trọng Khanh, Vụ trưởng Vụ Tài chính - Tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những tháng cuối năm cần thực hiện chính sách tài khóa một cách hợp lý, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tiền tệ, tín dụng. Kiểm soát chặt chẽ và minh bạch thu chi ngân sách Nhà nước, đầu tư công, bao gồm đầu tư từ ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng đầu tư của Nhà nước và đầu tư của khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Đặc biệt cần giữ mức bội chi ngân sách dưới 4,8% GDP.
Ông Lê Quốc Lý cho rằng, cần điều chỉnh cơ cấu chi ngân sách Nhà nước, cơ cấu đầu tư công, trên cơ sở đẩy mạnh đầu tư công có hiệu quả cao, giải ngân nhanh, hoàn thành công trình sớm. Tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước theo hướng ưu tiên tăng đầu tư cho phát triển và an sinh xã hội. Rà soát các quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu công trình để tạo thêm điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, các chuyên gia đều cho rằng cần đẩy mạnh quá trình sắp xếp cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này làm cho có hiệu quả hơn để đóng góp thiết thực cho nền kinh tế và cho ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh cải cách các thủ tục hàng chính, loại bỏ các giấy tờ rườm rà, đảm bảo vốn giải ngân nhanh. Có chính sách nuôi dưỡng nguồn thu, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh có điều kiện tăng sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa làm cho nền kinh tế năng động trở lại, từ đó tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Theo:Doanhnhansaigon.