Thiếu thông số “đo” chất lượng lãnh đạo DN
 Năm 2012 là năm đặc biệt khó khăn với lãnh đạo DN. Tuy nhiên, khó khăn là dịp để nhìn nhận và đánh giá lại công tác quản lý, điều hành, đặc biệt là vai trò của lãnh đạo trong phát triển bền vững của DN. Đây có thể coi là năm bản lề đối với sự thay đổi về tư duy quản lý điều hành kinh doanh của rất nhiều doanh nhân.

Khi điều hành DN, nhà lãnh đạo nên dựa vào các thông số kinh tế vĩ mô, 
kinh tế quốc tế chứ không chỉ bằng cảm nhận

Kinh tế khó khăn đòi hỏi DN phải thực hiện tái cấu trúc, mà muốn tái cấu trúc thành công trước hết phải bắt đầu từ “bộ não- lãnh đạo DN. Báo cáo kết quả khảo sát lãnh đạo DN ngoài quốc doanh VN vừa được công bố đã chỉ ra nhiều điểm yếu nhưng có lẽ từng đó là chưa đủ. Cần có thêm những khảo sát mang tính rộng khắp và đa chiều để có thể chỉ ra những điểm yếu thực sự và mức độ yếu kém thông qua con số cụ thể về chất lượng lãnh đạo DN.

Thiếu tầm nhìn

Theo báo cáo kết quả khảo sát lãnh đạo ngoài quốc doanh VN 2012 vừa được công bố, hiện có 58,5% lãnh đạo có trình độ đại học và cao đẳng. Đáng lưu ý là trên 35% lãnh đạo có trình độ đào tạo sau đại học. Kết quả này đáng khích lệ so với nhiều khảo sát công bố trước đây về trình độ học vấn của lãnh đạo DN ngoài quốc doanh. Về kinh nghiệm quản lý nói chung, có 34% lãnh đạo có kinh nghiệm quản lý dưới 5 năm. Số lãnh đạo có kinh nghiệm quản lý từ 5- 10 năm là 48,2% và trên 11 năm là 22,6%. Tương tự, kinh nghiệm của lãnh đạo tại vị trí tham gia ban điều hành DN phổ biến là từ 3- 5 năm là 44,7% và trên 5 năm là 29,6%. Có tới 24,5% lãnh đạo DN mới tham gia ban điều hành được thười gian dưới 3 năm.

Khi khảo sát về dự báo thời điểm kinh tế VN phục hồi, hơn một nửa số lãnh đạo DN tham gia khảo sát (50,9%) cho rằng phải mất 24 tháng nữa, 34,6% hy vọng nền kinh tế sẽ phục hồi trong 12 tháng tới và chỉ có khoảng 9% tin tưởng khó khăn sẽ qua vào giữa năm 2013. Kết quả khảo sát này rất khác so với kết quả khảo sát được thực hiện cùng kỳ năm 2011. Khi đó đa phần lãnh đạo DN cảm nhận kinh tế sẽ phục hồi sau 6 - 12 tháng. Thực tiễn này cho thấy, nhìn nhận của lãnh đạo DN VN khi lập kế hoạch  kinh doanh năm 2012 là khá lạc quan và đến thời điểm này họ phải nhìn nhận lại theo hướng khác. Xu hướng nhìn nhận thực tiễn và dự báo với biên độ an toàn hơn đang hình thành trong lãnh đạo DN Việt. Dường như khủng hoảng kinh tế là bài học khá đắt nhưng bổ ích cho lãnh đạo DN.

Báo cáo cũng chỉ ra 3 điểm yếu nhất trong quản trị DN là phát triển kinh doanh, tài chính và nhân sự. Đồng thời lo lắng phạm sai lầm  là cản lực lớn nhất khi lãnh đạo DN ngoài quốc doanh cần ra quyết định quan trọng. Có tới 44,2% lãnh đạo sợ sai khi ra quyết định và 25,6% gặp khó khi ra quyết định vì thấy rủi ro cao.

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI khẳng định: sau một thời gian tăng trưởng theo chiều rộng, rất nhiều DN đã không chú ý đến yếu tố về quản trị, trong đó có yếu tố về quản trị nguồn nhân lực. Vì vậy khi môi trường kinh doanh trở nên khó khăn, DN đó sẽ không trụ vững được vì nội lực không đủ. Tuy nhiên, bên cạnh những DN "ốm yếu" và ra đi, vẫn có một bộ phận không nhỏ DN, phần lớn nằm trong tay các nhà lãnh đạo trẻ trụ vững, thậm chí tăng trưởng cao. Những DN này đã tập trung vào chiến lược phát triển cốt lõi, nâng cao quản trị nhân sự. Họ cũng có hệ thống cảnh báo rủi ro tốt, biết cách đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu,…

Và chưa có “cái đầu lạnh”

Khủng hoảng kinh tế rất có ý nghĩa với các lãnh đạo DN. Qua khủng hoảng, lãnh đạo DN bộ lộ nhiều điểm yếu mà trước đó chưa nhận ra và là dịp để lãnh đạo DN nhìn nhận, đánh giá lại công tác quản lý điều hành. Khảo sát cho thấy lãnh đạo DN trước đó còn rất lạc quan và ít chú ý đến các dự báo kinh tế vĩ mô. Khi mà khủng hoảng kinh tế liên tục xuất hiện với sự ảnh hưởng ngày càng lớn và kéo dài thì sự lạc quan đi kèm với chủ quan sẽ dẫn đến những chiến lược sai lầm, đầu tư dàn trải, thiếu chú trọng quản trị tài chính và quản trị nhân lực.

Với khảo sát vừa công bố, lãnh đạo DN ngoài quốc doanh được đánh giá tốt về phẩm chất, tư duy. Tuy nhiên nhiều kỹ năng còn yếu, đặc biệt là các kỹ năng về quản trị con người như huấn luyện, đào tạo cấp dưới, quan tâm đến phát triển nhân lực chất lượng cao. Tính hệ thống trong điều hành chưa tốt, đi liên với sự phân cấp không cao. Hậu quả dễ thấy là DN gặp khó khăn trong thu hút người tài. Còn theo đánh giá của cấp dưới dường như năng lực tạo “bánh vẽ” cho cấp dưới đang tốt hơn năng lực “đãi ngộ và tăng cường năng lực” cho cấp dưới.

PGS TS Lê Quân cho biết, dựa vào kết quả khảo sát, chúng tôi đã đưa ra một số khuyến nghị sau: Quản lý và điều hành DN cần dựa trên “đầu lạnh”. Những khó khăn của DN hiện nay bên cạnh các lý do khách quan, rất nhiều đến từ hệ quả của quá trình xem nhẹ công tác quản trị chiến lược, quản trị rủi ro và quản trị tác nghiệp. Tăng trưởng nóng trên nền tảng nhân lực chất lượng thấp đã dẫn tới những hệ quả mà DN đang phải gánh chịu. Để đổi mới chuỗi giá trị và hướng tới các lợi thế cạnh tranh bền vững, giá trị gia tăng cao. DN cần có sự đầu tư và chuẩn bị trong nhiều năm. Khủng hoảng kinh tế  là thách thức nhưng cũng là cơ hội. DN cần xác định rõ lợi thế lâu dài, trên cơ sở đó dành thời gian và công sức để ngay trong khủng hoảng chuẩn bị các bước đi tiếp theo cho 3 năm tới do chu kỳ kinh tế ngày càng ngắn với biên độ 2- 3 năm. Tư duy quản lý tích cực là chủ động khai thác khủng hoảng kinh tế như một giai đoạn trị bệnh chuẩn bị đà cho các giai đoạn tiếp theo.

Nếu như ai đó nói rằng học hành không phải là nhân tố quan trọng trong thành công của nhiều tỉ phú thì chúng tôi lại cho rằng nó là nền tảng thành công của nhiều nhà lãnh đạo DN. Nếu như một doanh nhân thành đạt tại Mỹ có thể không cần bằng cấp vì họ học được quá nhiều lý thuyết hiện đại từ “trường đời” thì tại VN, “trường đời” chưa đủ bởi nền kinh tế VN chưa có nhiều trải nghiệm với kinh tế thị trường. Ông Quân ví von: Kinh nghiệm là quan trọng nhưng không thể mang kinh nghiệm chạy xe trên đường làng ra đường cao tốc. Học hỏi và ứng dụng các lý thuyết quản trị hiện đại là rất cần thiết với lãnh đạo DN VN.

Theo ông Quân, sự lạc quan là cần thiết, song phải dựa trên nền tảng kinh tế học. “Khi điều hành DN, nhà lãnh đạo nên dựa vào các thông số kinh tế vĩ mô, kinh tế quốc tế chứ không chỉ bằng cảm nhận. Nhu cầu ngoài thị trường rất nhiều, song nhu cầu đó có khả năng thanh toán và biến thành doanh thu hay không lại là cả một vấn đề khác”.
 

Mục tiêu ưu tiên của DN trong thời gian tới?

Để đánh giá mục tiêu ưu tiên của DN, lãnh dạo DN được yêu cầu chọn tối đa 3 mục tiêu. Kết quả cho thấy có 3 nhóm mục tiêu được lựa chọn của DN ngoài quốc doanh:

* Nhóm 1: ưu tiên bao gồm tài chính; nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng và đối tác; tăng doanh thu và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

* Nhóm 2: Nâng cao chất lượng sống và mức độ hài lòng của nhân viên; nâng cao thương hiệu và chất lượng của sản phẩm dịch vụ; đổi mới, sáng tạo.

* Nhóm 3 bao gồm: phát triển sản phẩm mới/thị trường mới.; lợi nhuận/tỉ suất lợi nhuận; trách nhiệm xã hội. Có hai điểm khác biệt giữa kết quả tại biến số này với các biến số khác. Nếu như lãnh đạo cho rằng phẩm chất chú trọng phát triển bên vững và mục tiêu an toàn là quan trọng hàng đầu thì trách nhiệm xã hội lại chưa được coi là mục tiêu ưu tiên. Dường như mục tiêu trách nhiệm xã hội chưa gắn nhiều với quan điểm phát triển bền vững.

 
TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế cao cấp: 
DN Việt nên có tư duy... rút lui

Tự các DN Việt cần tư duy toàn cầu và hành động cụ thể. Kinh tế thế giới có thể rơi vào suy giảm và suy thoái. Cuộc khủng hoảng nợ của Châu Âu có thể ảnh hưởng lan rộng. Nên tôi thấy các DN cần thiết lập thành nhóm để theo dõi tình hình kinh tế vĩ mô của VN và cả thế giới. Điều thứ hai, các DN cần học tập từ các bậc tiền bối, cụ thể là đại tướng Võ Nguyên Giáp, có chiến lược tiến lên và chiến lược rút lui. Khi có khó khăn, các DN cần dũng cảm đề ra phương cách rút lui và chờ cơ hội tiến lên. Tình hình đang biến đổi và biến đổi xấu nên các DN cần nghĩ đến phát triển bền vững, nghĩ đến lợi ích xã hội, tăng trưởng xanh, đó là xu hướng hiện nay.

Hiện nay ở TP Hồ Chí Minh có DN chỉ chuyên bán cá kho tộ xuất khẩu, và tuần nào họ cũng xuất khoảng 1 contener. Dù kinh tế khó khăn nhưng doanh nghiệp này vẫn “sống” rất tốt. Hay ở Nhật Bản có những DN rất nhỏ chỉ 30 người thôi nhưng đã sản xuất ra những linh kiện cho máy bay Boeing và họ vẫn duy trì được sản xuất ổn định lâu dài.

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Giám đốc chiến lược FPT: 
Khái niệm “Tâm - Tầm - Tài” chỉ là cảm tính

DN Nhật có một quan điểm rất hay là "Small is beautiful" - nhỏ mà tốt. Trong khi đó nhiều DN Việt cứ cho rằng phải ồn ào, phải hoành tráng, theo tôi là không cần thiết mà nên tập trung vào năng lực cốt lõi. Để thoát khỏi gian đoạn khó khăn hiện nay, lãnh đạo DN hãy tự mình cứu lấy mình bằng cách: Một là tái cấu trúc chi phí. Hai là cần giữ chân nhân sự. Ba là cần suy nghĩ và tư duy chiến lược bởi phần lớn các DN VN hiện nay mới chỉ lập được kế hoạch hằng năm mà chưa xây dựng được chiến lược phát triển. Và đối với chiến lược phát triển thì không thể chuyên gia nào làm thay được lãnh đạo DN - những người hiểu rõ mình mong muốn gì nhất.

Hiện nay rất nhiều DN đều cho rằng, con người là tài sản quý giá nhất của DN. Nói như vậy mới đúng chứ chưa đủ, điều quan trọng nhất là phải sử dụng “đúng người đúng việc”. Để làm được điều này phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của người lãnh đạo. Nhưng ngay cả ở cấp lãnh đạo thì hiện nay chúng ta vẫn chưa có hệ thống tiêu chí đánh giá để đưa được con số cụ thể về hiệu quả công việc. Khái niệm “tâm – tầm – tài” để đánh giá người lãnh đạo chỉ mang tính cảm tính chứ không thể đong đo và “đóng gói” được hiệu quả công việc.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh - Giám đốc Điều hành Navigos Search: 
Lãnh đạo DN Việt thiếu kỹ năng ra quyết định

Hạn chế chủ yếu của nhân sự cao cấp của Việt Nam ở thời điểm hiện nay chủ yếu là những kỹ năng mềm cần thiết để một người thành công trên cương vị lãnh đạo. Cụ thể là kỹ năng ra quyết định, kỹ năng động viên và thúc đẩy cấp dưới làm việc, kỹ năng phân công công việc… Vì lãnh đạo tức là đạt được những mục đích kinh doanh đề ra thông qua người khác, do đó câu hỏi đặt ra là làm thế nào để nhân viên có động lực làm việc là làm việc hiệu quả. Mặt khác, lực lượng nhân sự bậc trung và cao của Việt Nam hiện nay vẫn chưa được trang bị đầy đủ những kinh nghiệm thực tiễn về quản lý trong quá trình hội nhập. Điều này phần nào làm giảm lợi thế cạnh tranh của họ so với nhân lực người nước ngoài.

Theo:DDDN


Các tin khác