Đặt vấn đề về thế cùng đường của nhóm lợi ích ngân hàng trong bối cảnh hiện nay - e rằng vẫn có vẻ khá khiên cưỡng, khi nhóm này vẫn tiêu biểu cho lực lượng trội nhất về tiềm lực vốn, tài sản, lợi nhuận và thế nắm dao đằng chuôi trong toàn bộ các doanh nghiệp Việt Nam.
Nhưng cũng khó nêu ra câu hỏi nào khác hơn khi bản thân nhóm ngân hàng lại đang sa chân vào một ma trận - hệ quả do chính họ gây ra cho đến giờ này.
Đã quá rõ là sau ba tháng liên tiếp với ba lần giảm trần lãi suất huy động, tình hình vẫn hầu như chưa có gì biến chuyển. Tiền vẫn nằm ứ trong ngân hàng, còn đại đa số doanh nghiệp vẫn chưa thể "tiếp cận được nguồn vốn vay giá rẻ". Những con số thống kê muộn màng vế tỷ lệ khoảng 30% doanh nghiệp đã được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi 15% trong mấy tháng qua thực ra chỉ mang tính tượng trưng, trong khi lại không hề xuất hiện một thống kê nào cho thấy lượng vốn được giải ngân từ ngân hàng cho doanh nghiệp là bao nhiêu. Trong khi đó, một số ngân hàng đã xác nhận tỷ lệ giải ngân từ các gói cho vay ưu đãi của họ chỉ đạt khoảng 3-5% so với kế hoạch đề ra. Tức thực tế giải ngân là quá nhỏ bé so với chủ đích ban đầu.
Còn con số vốn nằm "chết" trong hệ thống ngân hàng cho tới nay là bao nhiêu? Cũng không có (và dường như điều này trở thành tất nhiên) một thống kê nào từ phía cơ quan chủ quản là Ngân hàng nhà nước. Song vào ngày cuối tháng 5/2012, từ một cuộc họp của cơ quan này với nhóm G14, một dự kiến được nêu ra là sẽ thành lập tổ chức chuyên mua bán nợ xấu giữa các ngân hàng với số vốn điều lệ lên đến 100.000 tỷ đồng.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa |
Con số 100.000 tỷ đồng này lại có một nét gì đó khá tương đồng với những đồn đoán trước đó về chuyện có đến hàng trăm ngàn tỷ đồng, nếu không muốn nói là hơn thế, tiền mặt đang bất động trong khu vực ngân hàng mà không thể đưa vào lưu thông được.
Cũng trong cuộc họp trên, con số về số dư tiền gửi dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng tại Ngân hàng nhà nước đã vượt quá quy định 40.000 tỷ đồng hẳn phải minh chứng cho câu chuyện thừa vốn dài hạn mà không biết làm gì cả.
Điều được gọi là "gót chân Asin" của ngân hàng cũng chính thức lộ ra.
Không chỉ là núi tiền mặt khồng lồ bị giam châm trong hệ thống này, mà tình trạng nợ xấu đã phát triển đến mức cần phải có những biện pháp "quyết liệt" nhằm kiềm chế, trước khi mọi chuyện trở nên không thể kiểm soát.
Vào cuối năm 2011, Agribank đã bị đánh giá là một ngân hàng thương mại cổ phần có tỷ lệ nợ xấu thuộc loại nguy hiểm nhất - trên 6%. Nhưng chỉ sau quý 1/2012, khi bản sơ kết tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trở nên thê thảm, nợ xấu của các ngân hàng cũng "bỗng dưng" tăng vọt. Eximbank, Vietinbank, BIDV, Vietcombank... đều là những ngân hàng đã làm ngạc nhiên nhiều khách hàng và cổ đông khi tỷ lệ nợ xấu trở nên xấu đi một cách lạ lùng, tăng gấp 50-60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thế nhưng tỷ lệ nợ xấu trên vẫn chưa có gì được coi là xác thực, nếu người ta tham chiếu cách tính toán của... Fitch Ratings. Vào giữa năm 2011, trong khi Ngân hàng nhà nước Việt Nam đưa ra tỷ lệ nợ xấu trong toàn bộ hệ thống ngân hàng chỉ hơn 3%, thì tổ chức xếp hạng tín dụng có tiếng trên trường quốc tế này đã bảo lưu tỷ lệ tương tự ở Việt Nam là 13%. Tức gấp 4 lần con số công bố!
Còn vào giờ này, với những gì mà các ngân hàng thương mại cổ phần đã bắt buộc phải công bố (và cả tự nguyện như một hành động kêu cứu), người ta lại có thêm cơ sở để suy diễn khả năng nợ xấu thực tế không phải chỉ là con số thống kê.
Thế cùng đường
Thế khó khăn của ngân hàng đã khá nhanh chóng biến thành thực tại nan giản. Nếu vào cuối năm 2011, họ có thể tung ra cơ chế cho vay doanh nghiệp với mức lãi suất 17-18% kèm theo những điều kiện cho vay không quá khắt khe mà vẫn có thể đạt được phần nào kết quả, thì sau quý 1 năm nay, tình hình đã biến chuyển tiêu cực đến khó hiểu. Thêm ít nhất 17.000 doanh nghiệp lâm vào cảnh phá sản và giải thể (theo con số thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cùng dự báo của chính cơ quan này về khoảng 50.000 doanh nghiệp biến mất trong năm 2012, đã làm cho tình thế không còn nằm trong vòng kiểm soát của nhóm lợi ích ngân hàng. Vốn cho vay, dù được tha thiết mời mọc đến thế nào chăng nữa, đã không còn trở nên hấp dẫn đặc biệt đối với những kẻ đói khát.
Minh chứng cho hiện tượng cung vốn quá thiên lệch so với cầu vốn như trên là cơ chế giảm trần lãi suất huy động theo kiểu nhỏ giọt. Tháng 3/2012 là thời điểm đầu tiên mà Ngân hàng nhà nước tiến hành giảm trần lãi suất huy động từ 14% về 13%, nhưng có vẻ miễn cuỡng hơn là một thái độ chủ động. Khi đó, các ngân hàng vẫn còn làm cao và ngoài Vietcombank, BIDV, vẫn chẳng thấy hiện diện những gói kích cầu ưu đãi nào khác. Nhưng những gì mà giới ngân hàng hình dung rằng doanh nghiệp - trong thảm cảnh khát vốn, sẽ "bập" ngay vào vốn vay ngân hàng khi lãi suất huy động giảm, đã không hề xảy ra. Một tháng sau đó, khi trần lãi suất huy động giảm tiếp về 12%, tỷ lệ vốn giải ngân khỏi ngân hàng cũng không tăng hơn được bao nhiêu.
Cực chẳng đã, vào trung tuần tháng 5/2012, Ngân hàng nhà nước đã phải tiến hành một cuộc "cách mạng" chưa có tiền lệ từ khi Chính phủ mới được thành lập vào tháng 8/2011: vừa hạ tiếp trần lãi suất huy động lần thứ ba liên tiếp về 11% và do đó đã phá vỡ "lộ trình giảm lãi suất huy động 1% mỗi quý" mà thống đốc Nguyễn Văn Bình đã thường tuyên bố, đồng thời còn tiến hành áp trần lãi suất cho vay ưu đãi ở mức 15%. Song toàn bộ giới doanh nghiệp vẫn thờ ơ. Đến lúc này, giới phân tích đành phải nêu ra một luận lý: không phải doanh nghiệp không muốn vay, mà là họ không còn khả năng vay.
Có vẻ như cuộc khủng hoảng niềm tin vẫn chưa có điểm dừng. Trong cách nhìn của phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa, nền kinh tế nhiều khả năng vẫn chưa thoát khỏi đáy, hay nói cách khác là chưa lập đáy. Vô số khó khăn về tín dụng và cơ chế vẫn chờ đợi ở phía trước. Hơn nữa, trong một nền kinh tế mà sức cầu đang hướng dần vào thế thiểu phát, hàng tồn kho chất cao và ngay cả tiểu thương cũng phải bỏ chợ, chẳng mấy doanh nghiệp đủ can đảm để hoạch định một tương lai trung hạn cho mình bằng cách đi vay vốn và ngay lập tức bị biến thành con nợ bất đắc dĩ.
Khủng hoảng niềm tin kinh tế và tiêu dùng cũng dẫn tới khủng hoảng xác tín về tín dụng. Chính sách bất cập và thiên hẳn về nhóm lợi ích ngân hàng của Ngân hàng nhà nước, như đã được bày tỏ suốt nhiều tháng trời qua, đã khiến cho các doanh nghiệp không thể tin rằng họ sẽ được sống trong một môi trường lãi suất cho vay ổn định, hơn nữa càng khó có thể vay được vốn với mức lãi suất 12-13%, khi chính một chuyên gia đầy kinh nghiệm trong ngành tài chính là ông Lê Xuân Nghĩa đã buộc phải nói thẳng ra là các ngân hàng đã chỉ "giả vờ" cứu doanh nghiệp. Ở một chiều kích khác, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải trần tình là họ sẽ không bị "mắc lừa" ngân hàng thêm một lần nữa.
Đạo lý quan hệ kinh doanh giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng vì thế mà xấu đi. Có thể gọi đó là gì, sau cái chết của nhiều doanh nghiệp và triển vọng tiếp nối của nhiều doanh nghiệp khác? Thế đường cùng của ngân hàng - hẳn là thế, khi nhóm lợi ích này đang phải rước lấy một hậu quả không đáng có: bị cộng đồng doanh nghiệp và cả xã hội "tẩy chay".
Những ngày gần đây, thế cùng đường của ngân hàng càng hiển hiện hơn khi chính họ đã phải lên tiếng kêu cứu.
Vốn huy động vẫn vào đều đặn và lãi vẫn phải trả đều đặn cho khách hàng, nhưng vốn cho vay lại không thể triển khai được. Cứ đà này, chẳng mấy chốc ngân hàng sẽ từ hòa đến âm vốn. Và nếu không cẩn thận, thời điểm cuối năm 2012 này sẽ chứng kiến những ngân hàng đầu tiên báo lỗ - lỗ thực sự chứ không phải như động tác "chia sẻ" cảnh ngộ với các doanh nghiệp.
Theo:vietnamnet.