Ông Thành nhấn mạnh rằng vấn đề này còn nghiêm trọng hơn bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào của nền kinh tế, kể cả so với lạm phát, thâm hụt ngân sách hay thâm hụt cán cân thương mại…
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, cũng than rằng chưa bao giờ kinh tế Việt Nam gặp phải một quý “tồi tệ cả về uy tín quốc tế lẫn những rủi ro về kinh tế vĩ mô lớn như quý 1 năm nay cho dù tăng trưởng có vẻ như cao hơn so với cùng kỳ 2009”. Theo ông, việc điểm số tín nhiệm nợ quốc gia của Việt Nam bị S&P hạ một bậc từ BB xuống BB--, mức thấp nhất so với các nước Đông Nam Á, chỉ ngang bằng với Bangladesh và Mông Cổ, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đối với chính sách vĩ mô của Việt Nam đang bị suy giảm nặng nề và đây là một điều cực kỳ đáng lo ngại. “Nền kinh tế của chúng ta không những rất dễ bị tổn thương bởi những cú sốc từ bên ngoài mà còn bị tổn thương do chính bản thân mình gây ra. Trong khi đó, Thái Lan, dù có những bất ổn về chính trị nhưng được thăng hạng liên tục và hiện họ đứng hàng thứ tám trên thế giới”, ông Nghĩa nói.
Cấu trúc bất cân đối của nền kinh tế, trong đó đầu tư công hút hết phần lớn tiềm lực quốc gia; tỷ lệ nợ xấu trong khu vực ngân hàng tăng từ 2,16% cuối năm 2010 lên 3,1% vào cuối tháng 6.2011; nợ nhóm 5 (nợ mất vốn) chiếm tới 47%; tổng dư nợ cho vay bất động sản tăng cao tới 10,8%; dự trữ ngoại tệ giảm so với mức 23,5 tỉ đôla Mỹ năm 2008 v.v. Tất cả những chỉ dấu trên, theo ông Nghĩa, đang đưa nền tảng kinh tế vĩ mô vào một thế đứng rất rủi ro, chông chênh.
Theo quan điểm của tiến sĩ Võ Trí Thành thì suy giảm niềm tin ở đây là suy giảm niềm tin vào đồng tiền Việt Nam và suy giảm niềm tin vào khả năng ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. “Tiền Việt Nam rẻ đến mức chỉ thấy các cô các chị ngồi liếm mép đếm tiền chứ không cần thoa nước”, ông Thành ví von. Về ổn định kinh tế vĩ mô, nhiều chỉ tiêu đưa ra “hứa làm” nhưng đã không làm được và đây không phải là lần đầu tiên chúng ta hứa mà không làm được. Lạm phát, thâm hụt thương mại, bội chi ngân sách… và hàng loạt căn bệnh nội tại của nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện. Điểm đáng lo ngại trong điều hành vĩ mô, theo ông Thành, là chính sách của Việt Nam “rất lẫn lộn”, khiến cho nhà đầu tư hoang mang, không hiểu mục tiêu, định hướng chính sách vĩ mô như thế nào. Tăng trưởng hay ổn định vĩ mô? Ông kể có lần trong một cuộc nói chuyện với các doanh nghiệp của Amcham, một nhà đầu tư nước ngoài nói rằng nghị quyết 11 của Chính phủ phát đi một thông điệp mạnh mẽ chưa từng có về ổn định kinh tế vĩ mô thông qua các biện pháp như thắt chặt tiền tệ, tài khoá, cắt giảm đầu tư công và không có một dòng nào nói về tăng trưởng. Thế nhưng, ở một dịp khác lại có chỉ đạo các tập đoàn kinh tế nhà nước phải đạt mức tăng trưởng 15% vào năm 2011. “Nhà đầu tư thắc mắc, lúc thì Chính phủ nói như thế, thoắt cái lại thay đổi tư duy khác, nghĩa là sao đây?”, ông Thành nói.
Để khôi phục niềm tin, Chính phủ không còn con đường nào khác là phải kiên định, nhất quán với chính sách mà mình đưa ra. Hơn thế nữa, không chỉ ở sự tuyên bố mà tuyên bố ấy nhất thiết phải đi đôi với việc làm quyết liệt trên thực tế. |
Hoặc một câu chuyện khác là việc ngân hàng Nhà nước đột ngột hạ lãi suất đối với các khoản vay trên thị trường mở (OMO) từ 15% xuống 14% vào hồi đầu tháng 7 vừa qua. Ông Thành kể lập tức ngay sau động thái trên có ba đại gia tài chính lớn của thế giới đã gọi điện hỏi ông rằng “đây có phải thực sự là tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ của Việt Nam?” Ông Nghĩa cũng cho biết sau sự kiện ấy, người của ngân hàng Thế giới và quỹ Tiền tệ quốc tế đã đến thẳng cơ quan ông giãy nãy “các ông đang làm gì thế?” Mặc dù việc giảm lãi suất OMO không có quan hệ lắm đến lãi suất thị trường nói chung nhưng theo ông Nghĩa đấy là “một tín hiệu không hay” vì điều đó có thể gây ra một ngộ nhận rằng tiền tệ đang được nới lỏng. “Từ nay trở đi ngân hàng Nhà nước chỉ nên làm một việc và phải làm cho bằng được là sử dụng công cụ chính sách tiền tệ để duy trì sự ổn định của thị trường liên ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước không nên bỏ khu vực này trong khi lại thò tay xuống thị trường tín dụng. Phải để cho các doanh nghiệp thấy rằng lãi suất cho vay bao nhiêu, lãi suất tiền gửi bao nhiêu, lên xuống như thế nào, đó là việc của cung – cầu, của thị trường, chứ không phải do Chính phủ hay ngân hàng Nhà nước nới lỏng”, ông Nghĩa đề xuất.
Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng có hai mục tiêu đang được các cơ quan quản lý “bám vào”, khiến cho chính sách ổn định kinh tế vĩ mô có sự lẫn lộn. Thứ nhất là bám vào mục tiêu tăng trưởng. Hai là bám vào mức tăng trưởng tín dụng với lý lẽ nói rằng sáu tháng đầu năm 2011 mức tăng chỉ mới 7,05% trong khi chỉ tiêu cho phép 20% nên “dư địa vẫn còn khá lớn”. “Ngay cả bài nói chuyện của phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tại phiên khai mạc Quốc hội khoá XIII mới đây cũng bắt đầu nói thắt chặt tiền tệ nhưng điều hành linh hoạt theo quý, tháng; vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% và vẫn nói dư địa chính sách tiền tệ còn nhiều”, ông Thành dẫn chứng. Theo ông, những thông điệp như trên có thể làm sai lệch và mất đi tính nhất quán của chính sách ổn định kinh tế vĩ mô.
Khi niềm tin mất, mọi thứ sẽ sụp đổ. Và vì vậy, để khôi phục niềm tin, theo ông Thành, Chính phủ không còn con đường nào khác là phải kiên định, nhất quán với chính sách mà mình đưa ra. Hơn thế nữa, không chỉ ở sự tuyên bố mà tuyên bố ấy nhất thiết phải đi đôi với việc làm quyết liệt trên thực tế.
Theo sgtt.com.vn