"Soi" báo cáo tài chính quý II qua 5 chỉ số
Còn hơn nửa tháng nữa là kết thúc quý 2 đầy sóng gió của các doanh nghiệp Việt Nam trước cơn bão lãi suất.

Dự báo, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục chuẩn bị “hứng chịu” đợt báo cáo tài chính mới không mấy vui vẻ, và xem chừng sẽ còn nhiều chuyện không hay đối với nhiều công ty niêm yết.

Do vậy, lúc này các chỉ  số tăng trưởng, lợi nhuận của doanh nghiệp không còn là ưu tiên số một đối với các nhà đầu tư nữa, mà phải là các chỉ số rủi ro. 

Chỉ số đầu tiên cần lưu tâm, đó là “Nợ vay”, bao gồm 3 chỉ số nhỏ là: tổng nợ/vốn, nợ ngắn hạn tính theo số tuyệt đối và tỷ lệ trên vốn. Nếu như cách đây một năm thì có thể chỉ cần bóc tách nợ nào phát sinh lãi, nợ nào do chiếm dụng vốn của người khác để đo lường rủi ro, thì năm nay có lẽ cứ... tính tổng cộng, nhất là nợ ngắn hạn.

Khi nền kinh tế gặp chuyện xấu thì chả ai muốn kẻ khác nợ mình, dù có lãi hay không lãi đi đòi sớm. Vay ngân hàng thì buộc phải tính cách để trả, hoặc nghĩ kế đảo nợ. Người mua nào trả tiền trước cũng mong bên bán sớm giao hàng, ai cho mua chịu giờ cũng thấy khó chịu nếu đối tác không sớm trả tiền... 

An toàn bước đầu là nợ ngắn hạn nhỏ hơn vốn. Công ty nào có hệ số nợ trên vốn, cho dù chỉ ở mức 1 lần nhưng số nợ cả ngàn tỷ đồng thì cũng phải dè chừng, trừ phi nợ tập đoàn mẹ, nợ ngân hàng mẹ để còn có thể “hờn dỗi”... 

Các nhóm ngành mang tính cơ hội như... phi sản xuất (trừ ngân hàng, bảo hiểm do  hệ số này lớn bao nhiêu mới gọi là rủi ro) thì càng phải phải dè chừng hơn nữa. Lúc này mọi khoản nợ đều làm gia tăng rủi ro.

Chỉ số thứ hai là “Chi phí lãi vay”, gồm cả giá trị tuyệt đối và tốc độ tăng. Trên thực tế, sẽ có một số báo cáo tài chính để trống dòng này, chỉ ghi chung chung là chi phí tài chính, nhưng nếu vậy thì nhà đầu tư nên cố gắng đọc phần thuyết minh. 

Đồng thời, nên so sánh giữa hàng quý với nhau để đo lường tốc độ tăng, và có thể cộng dồn 4 quý để tạm tính lãi suất vay bình quân (cho dù không chính xác lắm) và so với cả năm trước. Chi phí lãi vay này có thể giúp doanh nghiệp biến kết quả kinh doanh chung cuộc từ lời thành... lỗ.

Chỉ số thứ ba là “Mức tăng hàng tồn kho và phải thu”, bao gồm các chỉ số như khả năng thanh toán, tỷ trọng hàng tồn và phải thu tính trên tổng tài sản ngắn hạn (nên so sánh với quý liền trước chứ đừng chỉ so với cùng kỳ năm ngoái). 

Chỉ tiêu này tuy vẫn tùy thuộc vào nhóm ngành và mùa vụ, nhưng khi khó khăn thì việc gia tăng hàng tồn kho hay phải thu nói chung đều là điều không tốt. Chả ai dám chắc bán được hết hàng lúc này. 

Như nhóm bất động sản chẳng hạn, vốn trước đây siêu ngạch đấy, nhưng giờ tồn kho đầy ra, ai dám nói là nhà đất chỉ bán trên giấy, hay lòng vòng giữa những kẻ chỉ đóng mỗi tiền cọc với nhau, còn tiền thực thì không về?

Chỉ số thứ tư là “Tỷ suất lãi biên”, tức là nên soi kỹ các chỉ số lãi gộp/doanh thu, lãi thuần nhờ mảng kinh doanh chính/doanh thu, lãi ròng/doanh thu... 

Có thể tính cho từng quý, nhưng nên tính cả số lũy kế 4 quý gần nhất để xem tính liên tục khi so với cả năm ngoái. Hệ số giảm là điều không tốt rồi, nhưng nếu tỷ lệ càng nhỏ thì càng nguy hiểm. Ranh giới giữa lời và lỗ sẽ rất mong manh. 

Chính hệ số này cũng được Warren Buffett nêu rõ trong bí quyết của ông, bên cạnh cái ROE (có kèm nợ ít). Nếu phải chọn doanh nghiệp để đầu tư trung hạn trở lên lúc này, thì thà chọn công ty có hệ số này cao, hơn là có ROE cao.

Chỉ số thứ năm là “Mức độ đầu tư tài chính và bất động sản”, xét cả về con số tuyệt đối lẫn tỷ trọng trên tổng tài sản, do hai nhóm này đang bị siết nên cần phải coi cho kỹ. 

Ví dụ như đầu tư tài chính ngắn hạn là gửi tiền tiết kiệm hay đầu tư chứng khoán, đầu tư tài chính dài hạn là mở công ty con để phụ công ty mẹ, hay mở công ty con thuộc lĩnh vực mới, hay cũng đầu tư chứng khoán nốt. Lúc này tiền đầu tư chứng khoán mà nhiều là hơi bị nguy, kể cả khi công ty có ghi khoản trích lập dự phòng thì cũng vẫn chưa hết rủi ro, bởi vì... thường là mức trích lập thấp.

Thậm chí mở công ty con cũng là vấn đề quản trị, vì khó khăn càng đòi hỏi chất lượng quản trị cao, và có thể khiến chủ doanh nghiệp do không hiểu được tính chất của những ngành mới mà đưa ra những quyết định sai lầm.

Năm chỉ số trên không phải là thứ để chọn ra cổ phiếu, nhưng sẽ rất có ích khi nhà đầu tư muốn cơ cấu lại danh mục. Đây cũng nên là những chỉ số đưa vào bộ lọc khi bạn tìm kiếm cơ hội đầu tư mới trên sàn chứng khoán.

  Theo VnEconomy


Các tin khác