Một khi phương án kinh doanh của doanh nghiệp được chấp nhận, có khi không cần sổ đỏ, nhà đầu tư vẫn sẵn sàng nhảy vào.
Chi phí vốn không chỉ có lãi vay Những nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong việc giảm lãi suất cả huy động và cho vay trong thời gian tới sẽ giúp các doanh nghiệp (DN) tiết giảm được chi phí đầu vào. Nếu trước đây, DN phải vay với lãi suất 20 - 22%/năm, thì nay DN có thể được vay với lãi suất từ 11 - 13%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn. Chuyên gia tài chính Trương Tuấn Nghĩa - Phó tổng giám đốc Tập đoàn AsiaInvest cho rằng, DN rất mừng vì lãi suất giảm. Nhưng ít DN đặt câu hỏi với lãi suất ấy, họ sẽ có được gì và quản trị vốn của mình như thế nào? Trên thực tế, từ trước đến nay, quản trị về vốn của hầu hết các DN chưa tốt khiến sức khoẻ về tài chính DN yếu kém. Vậy nên, mỗi biến động nhỏ của thị trường về lãi suất, lạm phát cũng sẽ tác động lớn đến hoạt động của DN. “Chỉ cần nhìn vào con số 21.800 doanh nghiệp thuộc diện khó khăn, phải đình hoãn hoặc ngừng hoạt động trong 5 tháng đầu năm do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư - Bùi Quang Vinh công bố mới đây tại diễn đàn Quốc hội đã có thể thấy sức khoẻ của đa số DN Việt Nam là rất yếu”, ông Nghĩa nhận định. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi vay chỉ là một trong các chi phí không ảnh hưởng nhiều đến DN. Chi phí khi sử dụng vốn của DN cao hay thấp tuỳ thuộc vào cách DN quản trị nguồn vốn, cấu trúc vốn của DN ra sao. “Trong cấu trúc vốn có một phần là nợ, một phần là vốn chủ sở hữu, khi phần vốn nợ tăng quá nhiều so với phần vốn chủ sở hữu thì rủi ro về tài chính của DN rất cao. Khi DN gặp rủi ro về tài chính cao, đương nhiên giá mà DN phải trả cho các nguồn vốn họ huy động để sử dụng cho hoạt động kinh doanh cũng sẽ cao. ROE chưa phải là thước đo hiệu quả chuẩn Khi nói đến hiệu quả sử dụng vốn của DN, thông thường người ta thường so sánh với vốn chủ sở hữu (ROE). Tuy nhiên, chỉ số này là không thỏa đáng bởi ROE thể hiện DN hoạt động có hiệu quả, chưa biểu hiện được DN có kiểm soát được rủi ro tài chính hay không. Trong khi đó, rủi ro tài chính cho thấy DN không quản trị được dòng tiền. DN sẽ không có khả năng tài chính để bảo đảm các nghĩa vụ tài chính trước mắt là nghĩa vụ vay, sau đó là nghĩa vụ chi trả khác… Vì vậy, DN muốn biết sử dụng vốn có hiệu quả hay không cho dự án mới, DN nên sử dụng công thức chi phí sử dụng vốn bình quân. Theo chuyên gia Trương Trọng Nghĩa, chuẩn bị được một hồ sơ huy động vốn được ngân hàng chấp nhận thì dễ, song được nhà đầu tư (NĐT) chấp nhận mới là điều khó. Bởi một khi phương án kinh doanh của DN được NĐT chấp nhận, có khi không cần sổ đỏ, chỉ cần đưa ra phương án kinh doanh hiệu quả, NĐT sẵn sàng nhảy vào. “Phương án kinh doanh, chính là linh hồn của dự án đầu đầu tư và là linh hồn của một DN”, ông Nghĩa phân tích. Ông Nghĩa cho rằng, để có phương án kinh doanh tốt, DN phải có phân tích rất chi tiết về thông tin thị trường, thông tin về đối thủ cạnh tranh. Hiện rất ít DN hiểu đúng nghĩa về thông tin đối thủ cạnh tranh, dù có cũng chỉ dừng lại ở thông tin bán giá, khuyến mại… Thông tin rất quan trọng là phân tích sức khoẻ tài chính của đối thủ cạnh tranh thì bỏ qua. Chính vì vậy, cần thay đổi cách thức lập kế hoạch. Việc phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Ban lãnh đạo, hay hội đồng quản trị theo kiểu giao chỉ tiêu từ trên xuống khiến tính khả thi không cao. Công tác lập kế hoạch thực hiện một cách nhất quán từ trên xuống dưới và trong suốt quá trình, phải đi từ dưới lên trên, nghĩa là đi từ các bộ phận tạo ra doanh thu. Thay vì việc áp đặt từ trên xuống, nay DN nên làm ngược lại giúp việc lập kế hoạch cho năm tới phải thận trọng nhất và có thể làm được. Với cách làm như vậy, DN sẽ tạo điều kiện hơn cho các bộ phận kinh doanh, gắn được trách nhiệm của họ trong khâu lập kế hoạch cũng như gắn trách nhiệm của họ trong việc quản lý kế hoạch lập ra. Từ đó, DN sẽ quản lý được dòng tiền, tính toán được dòng tiền của DN trong kế hoạch kinh doanh. Theo:Stox. |