Quản lý thế nào khi nhóm có nhiều người giỏi

Thông thường doanh nghiệp nào cũng muốn tuyển những nhân viên tài năng, nhưng điều hành một team nhiều người giỏi và cá tính thật không dễ dàng.

   quan-ly-the-nao1
 Một chuyên gia đang tập huấn tại Massachusetts Institute of Technology (Mỹ) cho biết, anh được giao dẫn dắt 10 bạn đến từ các trường thuộc Ivy League và một số trường danh giá khác. Năng lực và kỹ năng của các bạn này đều đạt mức giỏi. Nhưng lại xuất hiện vấn đề là có quá nhiều “hổ” trong một “khu rừng”. Khi có vấn đề nảy sinh, mỗi bạn đều có hướng suy nghĩ, phân tích khác nhau. Làm sao để dung hòa hết tất cả ý kiến các thành viên trong nhóm là vấn đề khiến anh đau đầu.

Trên chuyên mục Advisor’s Sharing của Anphabe, các chuyên gia nhân sự đưa ra những tư vấn xung quanh tình huống này.

Chị Vũ Thị Hải Hà: Giám đốc Tài chính Marketing của Bristish American Tobacco (BAT)

quan-ly-the-nao2Thật ra doanh nghiệp nào cũng muốn tuyển toàn những nhân viên tài năng vào làm việc. Và một trong những thử thách khi chúng ta có quá nhiều tài năng và ai cũng có cái tôi lớn chính là làm sao để dung hòa những ý kiến trái chiều. Với tôi, cách hữu hiệu nhất chính là luôn đặt ra những mục tiêu cụ thể cho đội ngũ (team).

Những mục tiêu này sẽ là kim chỉ nam trong tất cả những buổi thảo luận. Tất cả mọi người đều có thể đưa ra ý kiến, tất cả ý kiến sẽ được xem xét dưới 3 góc độ: chi phí thực hiện, lợi ích đem lại và tính khả thi về mặt thời gian, nguồn lực…

Và khi chúng ta phân tích những ý kiến trái chiều dưới góc độ này, tất cả mọi người đều sẽ cảm thấy công bằng và rõ ràng vì ý kiến của mình được thảo luận và cân nhắc.

Tuy nhiên, sẽ có những lúc chúng ta bị quá nhiều ý kiến chi phối. Lúc này, nhiệm vụ của người quản lý/điều phối chính là đưa tất cả mọi người quay về mục tiêu ban đầu, làm thế nào để đạt được giới hạn thảo luận trong thời gian qui định. Bất kỳ một buổi thảo luận nào mọi người đều cần hiểu mục tiêu chính là gì, chúng ta cần chốt điều gì sau một khoảng thời gian nhất định.

Một trong những mẹo nhỏ để tôi quản lý những nhóm quá nhiều người giỏi chính là phân chia họ theo nhóm một cách hợp lý, đừng gom quá nhiều người có cá tính mạnh trong cùng một nội dung thảo luận mà nên có một người trung gian giúp hướng về giải pháp.

Chị Trương Bích Đào: Giám đốc Nhân sự, Nestle Việt Nam

quan-ly-the-nao3Khi nhóm bạn có quá nhiều “hổ”, bạn cần tìm hiểu thế mạnh của từng người để chia việc ra và phân công họ làm thủ lĩnh cho phần công việc họ có thế mạnh. Đồng thời nên tạo một vài luật chơi cho nhóm, ví dụ: quy định khi thảo luận lần lượt từng người một phát biểu, ý kiến nêu ra sẽ được ghi lại và so sánh với những ý kiến khác để bình chọn cho ý kiến có cơ sở tốt nhất.

Một khi ý kiến đã được chọn, mọi người phải tôn trọng và đi bước tiếp theo. Cần đặt giới hạn thời gian cho từng bước, giao cho các thành viên luân phiên làm người điều phối thời gian khi thảo luận, phải có quyết định và kế hoạch hành động cụ thể sau mỗi lần thảo luận…

Anh Nguyễn Đức Huy: Tổng giám đốc PepsiCo Foods Vietnam
quan-ly-the-nao4Tuy năng lực và kỹ năng đều giỏi, nhưng mỗi người vẫn có tính cách khác biệt nhau. Các bài kiểm tra tính cách thường phân chia con người thành 4 kiểu.

Có thể tiến hành phân chia họ ra những nhóm nhỏ hơn với các tính cách đa dạng, khác nhau này. Hãy tạo cơ hội để mỗi nhóm là thủ lĩnh và chịu trách nhiệm một chủ đề cụ thể.

Một khi tách nhóm nhỏ hơn, mọi người sẽ dễ kết nối và thể hiện tinh thần đội nhóm hơn. Đồng thời, sự đa dạng trong nhóm sẽ giúp tạo ra những ý tưởng đột phá.

 

Chị Phan Thị Nguyên Thảo:Phó chủ tịch Ngành hàng chăm sóc gia đình của Unilever

quan-ly-the-nao5Theo kinh nghiệm của tôi, các thành viên dù có kỹ năng và năng lực chuyên môn cao vẫn sẽ có những điểm khác biệt, ví dụ có người sẽ rất mạnh trong mảng giao tiếp, đối ngoại, lại có người không quá sôi nổi nhưng có khả năng phân tích số liệu…

Chính vì vậy, một lời khuyên dành cho nhà quản lý là hãy xem xét thế mạnh của mỗi nhân viên, từ đó phân chia công việc và nhiệm vụ cho mỗi người một cách cụ thể, rõ ràng, trên cở sở phát huy thế mạnh đó.

Lấy ví dụ đơn giản, khi cần làm một bản dự thảo và thuyết trình cho khách hàng, với một thành viên cẩn thận, tỉ mỉ bạn có thể giao nhiệm vụ thu thập và phân tích số liệu; công việc chuẩn bị bài thuyết trình có thể giao cho thành viên có năng khiếu về thẩm mĩ và phần thuyết trình nên giao cho thành viên có khả năng trình bày trước đám đông.

Trong quá trình làm việc, bạn có thể thường xuyên trao đổi và nắm bắt tiến độ công việc để kịp thời phản hồi, đồng thời các thành viên cũng sẽ thấy được mối liên hệ và hỗ trợ lẫn nhau .
                                                                                                                                        Theo: Enternews.vn

 


Các tin khác