Phiên họp 38 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Phải mạnh tay ghìm lạm phát

Tăng trưởng tín dụng không quá 20% (thấp nhất trong 5 năm gần đây); không tăng đầu tư xây dựng cơ bản dù trượt giá; không xây dựng trụ sở mới... là những thông điệp mạnh mẽ nhằm kiềm chế lạm phát, được lãnh đạo ngành Tài chính, Ngân hàng đưa ra tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18-2.


 

Tăng trưởng tín dụng 2011 sẽ dưới 20%
Tăng trưởng tín dụng 2011 sẽ dưới 20% . Ảnh: minh họa của Hồng Vĩnh

Lo ngại lạm phát cao

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2010 vọt lên mức hai con số và tháng 1- 2011 tăng 1,75% là do giá hàng hóa trên thị trường thế giới tăng như giá lương thực, vàng và một số nguyên vật liệu xây dựng... đã gây áp lực tăng giá thị trường trong nước và ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân nội tại của nền kinh tế như hiệu quả đầu tư chưa cao, sức cạnh tranh yếu…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lạm phát là do yếu kém nội tại của nền. Đó là mô hình tăng trưởng những năm qua dựa nhiều vào việc tăng vốn đầu tư và phát triển chiều rộng, nhưng phân bổ nguồn lực chưa hợp lý, hiệu quả đầu tư thấp đã tác động xấu đến các cân đối lớn của nền kinh tế (như thâm hụt ngân sách lớn, nợ công tăng nhanh, nhập siêu cao, mất cân đối ngoại tệ…).

“Đây là những yếu tố mang tính cốt yếu, tác động xấu đến nền kinh tế không chỉ trong ngắn hạn, phản ánh thực lực của nền kinh tế chưa mạnh, thiếu tính bền vững”- Ông Hiền nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Viết Ngoạn lưu ý thêm nguyên nhân từ việc tổ chức thực hiện, có lúc, có nơi mục tiêu “ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát” chưa được cụ thể hóa.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển, hệ số ICOR tăng lên nhanh chóng, đặc biệt ở kênh đầu tư từ ngân sách nhà nước là nguyên nhân góp phần làm tăng lạm phát.

Nhìn dưới góc độ đảm bảo an sinh xã hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước và Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cùng chung nhận định, lạm phát tăng nhanh đã làm thành tựu kinh tế 2010 giảm ý nghĩa. “Đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất là người nghèo, người làm công ăn lương. Lạm phát đã tác động lớn đến đời sống người dân, đặc biệt là công nhân và người nghèo”.

Siết tín dụng & đầu tư

Ông Vũ Viết Ngoạn nhận định: thách thức lạm phát, mất cân đối ngoại tệ năm 2011 sẽ lớn hơn 2010. Do vậy, cần xem xét giảm tổng cầu của nền kinh tế. Đặc biệt, phải có biện pháp mạnh mẽ, cụ thể hơn, thậm chí điều chỉnh cả kế hoạch Quốc hội đã thông qua, ví như giảm tổng đầu tư toàn xã hội.

Ông Hà Văn Hiền cho rằng, phải điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ một cách chặt chẽ, phối hợp đồng bộ hai chính sách này, khắc phục tình trạng chính sách tiền tệ thì thắt chặt nhưng chính sách tài khóa lại nới lỏng, rà soát cắt giảm các dự án, công trình sử dụng vốn nhà nước chưa thực sự cần thiết...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, sẽ đưa ra giải pháp mạnh để giảm tổng cầu tiền tệ. Trong thời gian qua, điều kiện thanh khoản của ngân hàng lúc nào cũng khó khăn nên Ngân hàng Nhà nước không bắt tăng dự trữ bắt buộc mà chỉ nâng lãi suất để thu hút nhanh tiền về ngân hàng. Lãi suất cao buộc doanh nghiệp phải tính toán để vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, khi đó nhập siêu, tỷ giá sẽ ổn định.

“Ngày 17-2, Thường trực Chính phủ đã họp để chuẩn bị tăng giá điện, xăng dầu. Thủ tướng đã kết luận, đưa ra thông điệp mạnh mẽ, tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Trong đó, tập trung giảm tổng cầu. Tăng trưởng tín dụng 2011 sẽ dưới 20%, thấp nhất trong 5 năm gần đây”- Ông Giàu nói.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết thêm, Chính phủ đang bàn để có nghị quyết mới về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Chính sách tài chính sẽ được điều hành chặt chẽ, siết lại chi tiêu công, tiếp tục tiết kiệm 10% chi.

Đặc biệt, năm 2011, không tăng chi đầu tư xây dựng cơ bản mặc dù trượt giá. Trừ lĩnh vực đầu tư cho phòng, chống lũ lụt, quốc phòng an ninh, còn lại các lĩnh vực khác, nếu cuối năm chi không hết cũng không được chuyển sang năm sau. Chính phủ cũng yêu cầu dừng xây dựng trụ sở mới.

Đồng tình với những giải pháp này, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng lo ngại tác động của các biện pháp mạnh này đến sản xuất, kinh doanh. “Siết lại chi tiêu công, sẽ có bao nhiêu hạng mục công trình phải dừng lại, đất nước lại ngổn ngang công trình dang dở?” - Ông Thuận nói.

Về thị trường ngoại tệ, ông Thuận băn khoăn, dường như chúng ta đang tuột tay không kiểm soát được thị trường ngoại tệ bởi giá USD trên thị trường đã lên tới 22.000 đồng. Ông Ksor Phước lo ngại, sống ở Việt Nam mà mua gì cũng có thể thanh toán được bằng USD, còn cơ quan quản lý thì không xử lý được!

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cũng lo ngại, lãi suất tăng cao nhưng doanh nghiệp vẫn phải vay, trong khi khả năng trả nợ kém sẽ dẫn đến đổ vỡ doanh nghiệp nhỏ, khi đó rất nguy hiểm.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: Trong năm 2011, phải lưu ý đến công tác dự báo và điều hành một cách quyết liệt, thường xuyên giữa các tháng, các quý thì mới đạt được những chỉ tiêu lớn mang tầm vĩ mô mà Nghị quyết Quốc hội thông qua. Phải có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Nếu để giá cả tiếp tục tăng cao thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Theo www.tienphong.vn


Các tin khác