Chẳng hạn, UNBD tỉnh Bình Dương đã bố trí kế hoạch vốn vượt quá thời gian theo chế độ quy định, bố trí vốn cho 328 dự án khởi công mới với số tiền 2.033,753 tỉ đồng trong khi kế hoạch vốn chưa đảm bảo đủ để thanh toán khối lượng đã hoàn thành.
Cụ thể, năm 2015 và 2016, UBND tỉnh và UBND các huyện thị xã chưa bố trí kế hoạch vốn cho các dự án còn nợ giá trị khối lượng hoàn thành số tiền là 108,34 tỉ đồng trong đó nợ khối lượng xây dựng cơ bản đến ngày 31.12.2014 là 885,433 tỉ đồng.
Trong khi đó, tỉnh bố trí kế hoạch vốn cho 52 dự án quá thời gian quy định gồm 28 dự án nhóm B quá 5 năm và 24 dự án nhóm C quá 3 năm.
Và dù còn nợ đọng nhiều dự án cũ, nhưng UBND tỉnh và các huyện đã bố trí kế hoạch vốn cho 328 dự án khởi công mới năm 2015, 2016 với kế hoạch vốn là 2.033,753 tỉ đồng trong đó năm 2015 có 193 dự án với kế hoạch vốn bố trí 1.231,992 tỉ đồng, chiếm 36% tổng kế hoạch vốn bố trí của năm, còn năm 2016 có 135 dự án, kế hoạch vốn bố trí là 801,761 tỉ đồng, chiếm 24% tổng kế hoạch vốn bố trí của năm.
Việc UBND tỉnh và các huyện phân bố kế hoạch vốn chưa đảm bảo thứ tự ưu tiên để thanh toán nợ xây dựng cơ bản, bố trí vốn cho dự án nhóm B, C vượt quá thời gian theo quy định trong khi lại bố trí một lượng vốn lớn cho 328 dự án khởi công mới, trong khi giá trị khối lượng đã hoàn thành lại chưa được bố trí kế hoạch vốn 108,34 tỉ đồng được thanh tra Bộ Tài chính kết luận “là chưa thực hiện đúng quy định.”
Không chỉ vậy, UBND tỉnh bổ sung danh mục đầu tư 13 công trình trường học không có trong danh mục đầu tư được cân đối ngân sách đầu năm. Số nợ đọng xây dựng cơ bản đến 31.12.2014 có chênh lệch số báo cáo giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính lên tới 71,625 tỉ đồng.
Liên quan đến việc phê duyệt dự án đầu tư, công tác thanh tra cho thấy đến tháng 6.2016, UBND tỉnh đã phê duyệt 242 danh mục công trình, dự án sử dụng vốn trong nước với tổng mức đầu tư 47.086,581 tỉ đồng trong khi đó tổng số vốn đã được bố trí đến năm 2016 là 14.753,924 tỉ đồng, số vốn còn thiếu phải bố trí để hoàn thành các dự án là 32.332,657 tỉ đồng. Nếu số vốn hàng năm bố trí các dự án do tỉnh quản lý 3.000 tỉ đồng như năm 2015 thì cần 10 năm tiếp theo mới bố trí đủ vốn cho 242 danh mục đã phê duyệt, chưa kể các dự án cấp bách khác phát sinh.
Đến tháng 6.2016, UBND tỉnh đã phê duyệt 5 dự án sử dụng nguồn vốn ODA, tổng mức đầu tư 9.098,946 tỉ đồng (trong đó vốn ODA là 7.567,88 tỉ đồng, vốn đối ứng trong nước là 1.509,83 tỉ đồng). Tổng số vốn đã bố trí đến năm 2016 là 1.887,223 tỉ đồng và số tiền còn thiếu đến hết năm 2018 là 7.211,723 tỉ đồng. Như vật, nếu số vốn hàng năm bố trí trong nước và huy động vốn ODA như năm 2015 là 339,3 tỉ đồng thì cần 20 năm tiếp theo (cho cả ODA) và tính riêng vốn trong nước cần 12 năm tiếp theo để bố trí đủ cho các dự án đã phê duyệt.
Chất lượng phê duyệt dự án đầu tư cũng được kết luận là còn hạn chế, thời gian thi công kéo dài dẫn đến phải điều chỉnh 49 dự án đầu tư làm tăng tổng mức đầu tư số tiền 2.812,536 tỉ đồng trong đó có điều chỉnh dự án đầu tư không đúng quy định tại 10 dự án tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng 650,285 tỉ đồng.
Ngoài ra, tại tỉnh này còn có hiện tượng, phê duyệt dự án đầu tư không khả thi dẫn đến phải điều chỉnh, đình hoãn, huỷ bỏ dự án, gây lãng phí vốn đầu tư 2,175 tỉ đồng. Không chỉ vậy, UBND tỉnh Bình Dương còn bố trí vốn đầu tư năm 2016 cho 4 dự án với số tiền 3,4 tỉ đồng chưa được Hội đồng nhân dân tỉnh cho thông qua...
Từ kết luận thanh tra, Bộ Tài chính đã đưa ra hàng loạt kiến nghị trong đó đáng chú ý là chấn chỉnh rút kinh nghiệm trong việc phân bổ, bố trí kế hoạch vốn không đúng quy định, kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc lập, trình phê duyệt chủ trương đầu tư và dự án đầu tư không khả thi dẫn đến phải điều chỉnh, đình hoãn, huỷ bỏ dự án, gây lãng phí đầu tư đồng thời giảm trừ dự toán do lập duyệt tăng không đúng 15,38 tỉ đồng, giảm trừ giá trị khối lượng nghiệm thu thanh quyết toán 6,93 tỉ đồng, thu hồi nộp ngân sách nhà nước 1,082 tỉ đồng…
Theo: laodong.com.vn