Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hằng năm chắc chắn DN phải có vì đến nay đã đầu tháng 8, còn năm tháng nữa là hết năm mà lại chưa có kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư thì DN làm ăn gì!
* Như trường hợp của MobiFone, họ giải thích là dự án mua lại 95% cổ phần AVG là mật nên không thể công bố. Theo ông, có đúng quy định?
- Không có gì là mật ở đây cả ngoài các dự án liên quan đến an ninh quốc phòng. MobiFone là DN nhà nước đầu tư vào AVG không phải là tiền của anh mà là của cổ đông, mà đây là cổ đông nhà nước, tức là từ tiền thuế của người dân.
Hoạt động đầu tư của MobiFone tác động đến rất nhiều đối tượng gồm: chủ nợ, con nợ, các cổ đông, khách hàng, công chúng.
Cho nên tôi nhắc lại là DN nhà nước đi đầu tư không phải là tiền của anh mà là tiền của cổ đông, nên anh phải có nghĩa vụ và trách nhiệm công bố công khai để cổ đông được biết là anh dùng tiền có đúng mục đích hay không, anh làm hay hoặc dở chứ không được bí mật thông tin.
DN phải công khai về giá cả giao dịch này để thị trường biết và giám sát. Nếu MobiFone nói là mật thì quá vô lý và có điều gì đó bất thường.
* Thực tế, trên website của các DN, thông tin được công bố rất sơ sài. Vậy theo ông, trách nhiệm thuộc về cá nhân, tổ chức nào?
- Việc không chấp hành công bố thông tin của DN nhà nước đầy đủ, chính xác và kịp thời trách nhiệm trước hết là của chủ tịch hội đồng thành viên, sau đó là các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương.
Tôi đảm bảo là có không ít người đứng đầu một số bộ, địa phương không biết quy định về công bố thông tin của DN nhà nước.
Vì sau 45 ngày nghị định có hiệu lực, tôi đã vào hầu hết website của các tập đoàn, tổng công ty, cổng thông tin, trang thông tin của nhiều bộ ngành, địa phương thì không công bố hoặc công bố rất sơ sài, công bố cho có thông tin về DN nhà nước, không đúng yêu cầu của nghị định 81.
Nói trách nhiệm của bộ trưởng, người đứng đầu địa phương là vì Chính phủ quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước phải khiển trách hoặc cảnh cáo người quản lý DN không công bố hoặc không thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn việc công bố thông tin.
Thực trạng như hiện nay là không ổn. Một lỗ hổng rất lớn trong quản lý DN nhà nước mà trách nhiệm đầu tiên thuộc về bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh thành trực thuộc trung ương.
Ngoài ra, còn có trách nhiệm của Bộ KH-ĐT vì thấy thực trạng này mà chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
* Theo ông, phải áp giải pháp nào để bắt buộc DN nhà nước, các bộ làm đúng trách nhiệm của mình trong công bố thông tin về DN nhà nước?
- Bộ KH-ĐT cần phải nhắc nhở các bộ, DN nhà nước thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời về công bố thông tin DN nhà nước. Đồng thời phải báo cáo lên Thủ tướng.
Trên cơ sở báo cáo của Bộ KH-ĐT, Thủ tướng Chính phủ cần phê bình, khiển trách bộ trưởng, chủ tịch UBND địa phương nào đã không thực hiện trách nhiệm đầy đủ về việc này.
Với vai trò của chủ sở hữu, một số bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh đã vô trách nhiệm. Tôi nói hơi gay gắt nhưng không còn từ nào để dùng cho phù hợp hơn.
Còn đối với chủ tịch hội đồng thành viên, khi họ không thực hiện đúng trách nhiệm của mình về công bố thông tin của DN nhà nước thì cần phải đưa ra khỏi vai trò điều hành DN.
Họ không thực hiện đúng phận sự của người quản lý DN, không vì lợi ích cổ đông thì thông thường việc làm đầu tiên của chủ sở hữu là các bộ phải bãi miễn chức vụ hội đồng thành viên, hội đồng quản lý.
Đây là lỗi rất nặng của người quản lý, mang tính chất đạo đức hành nghề. Thị trường đòi hỏi ở người quản lý DN là sự trung thành, trung thực.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu Trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có yêu cầu rất rõ về công khai minh bạch, nhất là về các DN nhà nước. Vì vậy, việc yêu cầu các DN nhà nước công khai minh bạch là đương nhiên. Tuy nhiên, tôi không ngạc nhiên khi nhiều DN nhà nước không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ. Nghị định 81/2015 quy định rất rõ các loại thông tin phải công khai, thời gian công khai. Không làm hoặc làm không đúng là vi phạm pháp luật. Theo tôi, với DN không tuân thủ quy định hoặc khai cho có, không đúng biểu mẫu phải xử lý nghiêm, đủ tính răn đe theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Trước hết có thể xử phạt, sau đó phải xem xét trách nhiệm cá nhân người đứng đầu. Nên xem xét phạt tiền cá nhân người chịu trách nhiệm công bố thông tin. Sau đó, xem xét kỷ luật lãnh đạo DN vi phạm pháp luật, ít nhất là hạ bậc lương, không xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thậm chí cách chức.../. |