Nhiệm vụ của chuyên viên tiếp thị
I. Tình trạng cầu và nhiệm vụ tiếp thị:
1. Cầu âm: thị trường của sản phẩm rơi vào tình trạng cầu âm khi đại bộ phận thị trường không ưa và thậm chí có thể trả tiền để tránh xa sản phẩm đó. Nhiệm vụ tiếp thị lúc này là phân tích vì sao thị trường có động thái như vậy, liệu một chương trình tái thiết kế, giảm giá bán, và các chương trình khuyến mãi có khả năng thay đổi lòng tin và thái độ thị trường hay không?
2. Cầu bằng 0: người tiêu dùng mục tiêu có thể không nhận biết hoặc không quan tâm tới sản phẩm. Nhiệm vụ tiếp thị đặt ra là tìm cách gắn tính hiệu dụng của sản phẩm với nhu cầu và lợi ích tự nhiên của khách hàng.
3. Cầu ẩn: nhiều người tiêu dùng có thể cùng có một nhu cầu lớn chưa được thoả mãn bởi các sản phẩm hiện có. Nhiệm vụ tiếp thị lúc này là đo lường độ lớn của thị trường tiềm năng và phát triển hàng hoá và dịch vụ để thoả mãn mức cầu đó.
4. Cầu giảm: bất kỳ tổ chức kinh doanh nào sớm muộn cũng phải đối mặt với sự suy giảm về cầu cho một hay nhiều sản phẩm. Chuyên gia tiếp thị phải phân tích nguyên nhân suy giảm và xác định liệu cầu có thể được tái kích thích bởi một thị trường mục tiêu khác, bởi việc thay đổi chi tiết sản phẩm, hoặc bởi phương thức truyền thông hiệu quả hơn hay không. Sau đó, doanh nghiệp có thể áp dụng một hình thức tái tiếp thị một cách sáng tạo để đảo ngược tình trạng cầu hiện tại.
5. Cầu bất thường: nhiều sản phẩm có mức cầu thay đổi theo mùa, theo ngày hay thậm chí theo giờ, gây ra sản xuất đình trệ hoặc làm việc quá tải. Nhiều máy móc thiết bị phải ngừng hoạt động trong thời gian đình trệ mà không đủ công suất để hoạt động trong những lúc cao điểm. Nhiệm vụ lúc này là tiếp thị đồng bộ (synchoromarketing) nhằm tìm kiếm phương thức thay thế giữa các nhu cầu thông qua chính sách giá linh hoạt và các chương trình khuyến mãi.
6. Cầu đủ: lúc này, doanh nghiệp bằng lòng với quy mô kinh doanh của mình. Nhiệm vụ tiếp thị là giữ mức cầu hiện tại trước khả năng sở thích của khách hàng có thể bị thay đổi hoặc cạnh tranh tăng lên. Doanh nghiệp cần duy trì và tăng chất lượng cũng như không ngừng đo lường độ thoả dụng của sản phẩm và dịch vụ đối với người tiêu dùng.
7. Cầu dư: cầu thị trường vượt quá khả năng hoặc mong muốn của doanh nghiệp. Chẳng hạn một công viên giải trí duy nhất của thành phố sẽ luôn có lượng khách quá đông. Nhiệm vụ lúc này là tiếp thị nguợc (demarketing), tìm phương thức tạm thời giảm cầu hoặc cũng có thể giảm vĩnh viễn. Doanh nghiệp có thể nâng giá bán, giảm chương trìh khuyến mãi và dịch vụ đi kèm. Tiếp thị ngược chọn lọc có thể giảm cầu ở những đoạn thị trường ít sinh lợi nhất.
8. Cầu không lành mạnh: các sản phẩm không lành mạnh sẽ tạo ra các nỗ lực có tổ chức nhằm giảm mức tiêu thụ của chính sản phẩm đó. Chẳng hạn các chiến dịch chống bán thuốc lá, rượu, ma tuý, súng đạn, … Nhiệm vụ tiếp thị lúc này là làm người tiêu dùng từ bỏ sản phẩm mà họ quen dùng, có thể sử dụng các công cụ như thông điệp cảnh báo, tằng giá và giảm cung.
II. Các hình thức thị trường:
Thị trường tiêu dùng: Các công ty bán hàng hoá và dịch vụ đại trà như đồ uống, thuốc đánh răng, ti vi, hay vé máy bay đều nỗ lực xây dựng một hình ảnh thương hiệu cao cấp. Điều này phụ thuộc vào người tiêu dùng mục tiêu, nhu cầu mà sản phẩm thoả mãn, thương hiệu có khả năng truyền thông mạnh mẽ và tạo được lòng tin. Sức mạnh của thuơng hiệu phụ thuộc rất lớn vào việc phát triển một sản phẩm cao cấp, đóng gói và gắn chặt với quảng cáo không ngừng và dịch vụ tin cậy. Nhiệm vụ tiếp thị tiêu dùng là quyết định chức năng, chất lượng, phạm vi phân phối, và chi tiêu cho khuyến mãi nhằm đạt vị trí cao nhất trên thị trường.
Thị trường đối tác: Các công ty bán hàng hoá và dịch vụ thường có các khác hàng chuyên nghiệp với thông tin đầy đủ có khả năng xác định đúng mức giá cạnh tranh. Đối tác mua hàng, thường là với số lượng lớn và thường xuyên, nhằm sản xuất hoặc bán lại sản phẩm cho người khác. Nói một cách khác, họ mua để tìm kiếm lợi nhuận. Nhiệm vụ tiếp thị đối tác là thể hiện lợi ích của sản phẩm đối với khả năng sinh lời của đối tác. Quảng cáo có một vai trò lớn, nhưng đáng kể hơn là lực lượng bán hàng, giá cạnh tranh và danh tiếng của công ty về độ tin cậy và chất lượng.
Thị trường toàn cầu: Các công ty bán hàng hoá và dịch vụ trên thị trường toàn cầu phải đưa ra nhiều quyết định hơn. Họ phải tính toán thị trường nước nào sẽ thâm nhập, thâm nhập bằng cách nào (với tư cách một nhà xuất khẩu, mở đại lý, liên doanh, hợp đồng sản xuất hoặc mở nhà máy riêng…), làm thế nào để sản phẩm thích ứng với thị trường từng nước, định giá thế nào tại các thị trường ở các nước khác nhau với mức chênh lệch đủ hẹp, truyền thông ra sao để phu hợp với văn hoá từng nước. Các quyết định đưa ra còn dựa trên các điều kiện pháp lý khác nhau, các cách thức thương lượng khác nhau, các yêu cầu khác nhau về mua, sở hữu và bán tài sản, các đồng tiền khác nhau, và tình trạng tham nhũng khác nhau …
Thị trường nhà nước và phi lợi nhuận: Các công ty bán hàng hoá và dịch vụ cho các tổ chức phi lợi nhuận (nhà thờ, trường học, cơ quan nhà nước…) cần định giá một cách thận trọng vì các tổ chức này có khả năng mua hạn chế. Giá thấp ảnh hưởng tới chức năng và chất lượng của sản phẩm và dịch vụ cung ứng. Nhiều nghiệp vụ nhà nước sử dụng phương thức đấu thầu và chấp nhận mức giá thấp nhất giữa các hồ sơ dự thầu cùng điều kiện.