Một cách quản trị nhân sự khôn ngoan
Để cho những người tài rời bỏ doanh nghiệp (DN) đầu quân cho một DN khác có một phần lỗi của người quản trị nhân sự. Nhưng gần đây, nhiều nhà quản trị đã tỏ ra khôn ngoan và thông minh hơn khi chủ động tạo ra một lối về cho người tài, khi họ nhận ra chân giá trị của cả hai bên.
Con đường của người tài không phải bao giờ cũng bằng phẳng...(Ảnh minh họa)
Có cả trăm ngàn lý do giải thích cho việc bỏ việc của những nhân viên thực sự có năng lực: Môi trường làm việc không phù hợp, họ không được tôn trọng đối đãi xứng đáng, cũng có thể có lúc bản thân người tài phải đối diện với sự nghi ngờ về chính mình và người tài cũng bị những xáo trộn về mặt tâm lý như bất kỳ người bình thường nào khác…

Bi kịch có thể sẽ xảy ra đối với DN khi mà vào thời điểm người có tài nản chí nhất lại hiện ra một lời khen tặng từ đâu bay đến, kèm theo lời khen ấy là một sự chào mời cực kỳ ấn tượng, đủ sức để “bứt” họ ra khỏi quỹ đạo mà họ vẫn hứa hẹn đeo đuổi cống hiến lâu dài.

Thực tế, đã có nhiều trường hợp người tài không cưỡng lại nổi sự quyến rũ của chỗ làm việc mới và đã “dứt áo ra đi”, mong tìm kiếm một môi trường cho họ nhiều cơ hội để thành công hơn. Những sự ra đi như thế này thường để lại sự tiếc nuối và lớn hơn nữa là sự trách móc của những người ở lại.

Nhưng rồi cũng thực tế cho thấy, nhiều người tài đã nhanh chóng thất vọng, nhận ra một sự thật là tại môi trường công việc mới không có nhiều điều tuyệt vời như nơi đã từng phục vụ. Và các bi kịch mới lại xảy ra…

Người ta vẫn nói những người có thực tài thường rất tự trọng. Khi đã dứt áo ra đi là không nghĩ sẽ quay lại dù rằng trong suy nghĩ, ý nghĩ đó đã xuất hiện nhưng họ sẽ chôn chặt trong lòng.

Thông điệp không chỉ dành riêng cho người tài...

Nhiều nhà quản trị nhân sự thông minh và nắm bắt được tâm lý này, đã chủ động thiết kế một đường về lại DN cho những nhân viên như thế. Bởi hơn ai hết, họ coi chính DN như một gia đình lớn, những nhân viên của DN là những người con thân thiết trong cùng một mái nhà. Bình thường, do những hiểu lầm và ngộ nhận, một người con đã rời bỏ gia đình ra đi nhưng ngay sau khi bình tĩnh lại, nhìn ra xung quanh mới thấy mình sai lầm và muốn quay về. Lúc này, một gia đình khôn ngoan là gia đình biết mở đường đón nhận những người con để quay về…

Với nhân viên là người có tài, vào thời điểm họ định “dứt áo ra đi”, người quản trị thông minh luôn gửi cho họ thông điệp: “Chúng tôi luôn chờ đợi ngày quay trở về của bạn”.

Với thông điệp này không hề làm cho DN yếu đi, cũng không làm cho DN cảm thấy bị thất thế trong việc sử dụng con người, đặc biệt là người có thực tài. Trái lại, việc này sẽ làm cho hình ảnh của DN mạnh lên khi trong chính sách sử dụng lao động đã lường trước được cả đường “thoái” dành cho nhân viên đã “tiến” đi đâu đó, tức là sẵn sàng nhận lại nhân viên cũ bị lỡ vận.

Chính sách quản trị nhân sự thông minh này không chỉ có tác dụng với những nhân viên cũ, mà còn có tác dụng với những nhân viên mới của DN, trong đó có cả những người có thực tài.

Những người như vậy sẽ không xem các đường “thoái” ấy như một biện pháp khuyến khích họ dễ dàng bỏ việc để đi tìm những nơi làm việc tốt hơn, mà là một nét văn hóa đáng trân trọng để họ tiếp tục gắn bó mãi với DN mà mình đã được vào làm việc.

Và với những người tài sau khi đã quay về, họ càng hiểu rõ trách nhiệm công hiến và chia sẻ với đồng nghiệp để thực hiện tốt hơn trong việc đào tạo cán bộ, tạo dựng giá trị gia tăng cho DN.

Đây thực sự là một chính sách quản trị nhân sự thông minh, các lãnh đạo DN nên tham khảo và đừng lãng phí tài sản mà "chính DN mình bỏ bao công sức và chi phí cơ hội để đào tạo họ thành tài"!
                                                                                                                                            Theo tamnhin.net

Các tin khác