Máy bơm, lắm chiêu hàng giả
   Các loại máy bơm nước, bơm chìm giếng khoan, bơm phòng cháy chữa cháy… hiện có nhiều hàng giả trên thị trường. Nếu những người làm ăn chân chính phải khó khăn, một để chống chọi thì nguy cơ cho người tiêu dùng còn lớn hơn rất nhiều. Báo SGTT ghi nhận ý kiến của ông Nguyên Đức Nhã, giám đốc công ty thương mại Đức Nhã, để cung cấp thêm thông tin đến người tiêu dùng.
 Các loại bơm giả thường gặp

Người mua hàng thường gặp các loại hàng giả sau:

– Bơm chìm giếng khoan: các cửa hàng bán bơm hiệu MASTRA của Trung Quốc, là sản phẩm nhái nhãn hiệu máy bơm MATRA nổi tiếng của Ý, nhưng khi bán hàng nói là bơm Ý. Trên bơm ghi “Italy Technology” hay “Italian Technology”. Đối với khách hàng dân dụng thường không nhận biết được, còn đối với các doanh nghiệp thì một số cửa hàng gắn thẳng lên sản phẩm mác giả Made in Italy.

– Bơm ly tâm trục ngang thì hàng giả các thương hiệu đầy rẫy như: SAER, Pentax, Ebara... khiến những nhà phân phối hàng này vô cùng khó khăn. Nhãn hiệu bị nhái phổ biến nhất là Pentax. Một số cửa hàng mua bơm Việt Nam hiệu Mitsuky được sản xuất với môtơ nhập từ Trung Quốc, đầu bơm được gia công tại Việt Nam. Rất nhiều sản phẩm được làm như vậy hoặc nhập khẩu hoàn toàn từ Trung Quốc như Ewara, LuckyPro... Những công ty hiện nay đa phần mua những bơm này để giả bất kỳ nhãn hiệu nào khi khách hàng có yêu cầu như SAER, Ebara...

– Nguy hiểm nhất là bơm trong phòng cháy chữa cháy: bơm giả hàng Ý lại càng phổ biến. Giới chuyên môn hay gọi “bơm đểu”, hay “bơm Ý ẹ”. Chỉ một số ít các công ty lớn có uy tín sử dụng đúng bơm Ý, còn hầu hết đều xài “bơm đểu” hoặc có thể bị lừa. Đặc biệt, tình trạng sử dụng “bơm đểu” có nguy cơ lấn át vì tâm lý cho rằng: “bơm thì lắp cho có, chứ mấy khi xài”!

– Đối với bình áp lực, hiện tại Việt Nam có nhà cung cấp độc quyền bình Aquasystem của Ý được đánh giá khá cạnh tranh, nhưng công ty V.H nhập bình áp lực từ Trung Quốc và bán ra thị trường với nhãn hiệu VAREM – Made in Italy. Trước đây, V.H nhập bình VAREM nhưng sau này không cạnh tranh lại bình Aquasystem, và V.H cũng mua bình Aquasystem để bán cho khách hàng. Gần đây V.H bán hàng kiểu này gây khó khăn cho bên đây. Các cửa hàng và một số công ty biết nhưng ham lời nên vẫn bán hàng giả.

Những chiêu giả chứng từ phổ biến

Đối với máy bơm nước, khi mua hàng khách hàng thường yêu cầu cung cấp bộ chứng từ nhập khẩu gồm: giấy chứng nhận xuất xứ (C/O-Certificate of Origin); giấy chứng nhận số lượng, và chất lượng (C/Q-Certificate of Quantity and Quality), giấy liệt kê danh mục hàng hoá (PL-Packing List); thỉnh thoảng có vận đơn (B/L-Bill of Lading).

Các công ty bán hàng giả thường có hai hình thức: 1. Sử dụng bộ chứng từ trước đây đã nhập hàng (như Pentax, MATRA chẳng hạn), sửa lại ngày để hợp thức hoá hàng bán. 2. Sử dụng bộ chứng từ trước đây mua của nhà phân phối tại Việt Nam để hợp thức hoá. Có thể mua một thiết bị nhỏ ít tiền để lấy hồ sơ nhập khẩu cho những mặt hàng giả khác.

Bình áp lực: nếu bán cho dân dụng hoặc những bình hay máy bơm nhỏ thì các cửa hàng thường làm nhãn hàng giả hiệu VAREM – Ý. Bán cho công ty hay loại bình lớn, bơm lớn thì là giả nhãn máy SAER, Pentax, Ebara; bình áp lực thì giả mác Aquasystem.

Để kiếm bộ chứng từ hợp thức hoá hàng giả, các cửa hàng, công ty bán hàng giả này còn bán luôn nhãn hàng hoá của các nhãn hiệu, bộ chứng từ nhập khẩu cho từng nhãn hiệu theo yêu cầu. Mác của bơm, bình là 100.000 – 200.000 đồng/cái, bộ chứng từ 500.000 – 1.000.000 đồng/bộ. (Những chuyện này nếu cần xác minh báo chí có thể điện thoại hoặc gặp trực tiếp các cửa hàng).

Ngoài ra, còn có một số máy bơm nhập từ Indonesia, Thái Lan. Có một nghịch lý là máy bơm nhập khẩu từ ASEAN có thuế suất 0%, trong khi từ Ý là 10%. Nghịch lý hơn cả là bơm trục ngang khớp nối rời, là bơm có cấu tạo phức tạp lại có thuế suất 20%. Trước đây khi máy bơm nước nói chung có thuế 24 – 28% thì bơm này có thuế 20%, từ đầu năm 2012, bơm nước giảm xuống còn 10% nhưng bơm này lại không thay đổi. Khi nhập hàng, nhiều khi hải quan đòi áp mã thuế 20% cho tất cả các bơm khác.

Bán hàng giả, hàng nhái mạnh bởi một sản phẩm được nhập từ Trung Quốc chỉ có giá thành bằng trên dưới 30% hàng chính hãng. Người bán làm giả để nâng giá bán lên tương đương với hàng thật, hoặc thấp hơn vài phần trăm gọi là “mức giá cạnh tranh”. Một sản phẩm 10 đồng kiếm lời đến 7 – 8 đồng nên không kiềm chế được lòng tham. Cơ quan quản lý thị trường thì không kiểm soát nổi.

Theo:SGTT.


Các tin khác