Làm gì với nợ xấu?
Cách tốt nhất để xử lý nợ xấu là đừng để nó xảy ra. Nhưng nếu nó đã xảy ra, doanh nghiệp vẫn có công cụ để xử lý.

K

inh tế suy thoái không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh mà còn làm gia tăng nợ xấu trong doanh nghiệp. Thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, chỉ riêng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng năm 2008 đã vào khoảng 43.500 tỷ đồng. Nếu tính cả số nợ giữa các doanh nghiệp với nhau thì con số nợ xấu còn lớn hơn nhiều lần.

Vì thế, khi tất cả các dự báo về kinh tế năm 2009 đưa ra đều thống nhất rằng tình hình sẽ tiếp tục khó khăn thì nợ xấu đã trở thành mối lo hàng đầu đối với doanh nghiệp. Nợ xấu có thể đẩy doanh nghiệp đến chỗ phá sản, ngân hàng mất tài sản và quan trọng hơn là gây ra xáo trộn trong nền kinh tế. Vậy, xử lý nợ xấu như thế nào?

Nợ xấu xuất phát từ nhiều nguyên nhân, khách quan lẫn chủ quan. Nguyên nhân lớn nhất là năm qua nhiều đơn vị kinh doanh thua lỗ, dẫn đến việc gặp khó khăn về dòng tiền hoặc mất khả năng thanh toán. Vì thế, các đối tác có quan hệ làm ăn với những doanh nghiệp này bỗng chốc phải gánh thêm phần nợ khó thu.

Ngoài ra, đa số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay mua bán chủ yếu dựa vào uy tín, ít dùng đến các hợp đồng kinh tế. Vì thế, nhiều doanh nghiệp bị khách hàng giam nợ vô thời hạn nhưng không có cơ sở pháp lý để... đòi. Bên cạnh đó, để thu hút khách hàng, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra chính sách bán chịu khá ưu đãi, thậm chí dễ dãi. Điều này càng làm tăng khả năng phát sinh khoản nợ khó đòi và rủi ro không thu hồi được nợ.

Xử lý nợ xấu như thế nào là bài toán không dễ, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, doanh nghiệp có thể khắc phục tình trạng nợ xấu nếu thực hiện một số phương cách sau.

Trích lập dự phòng: Khi phát sinh các khoản phải thu khó đòi, công ty phải tiến hành trích lập dự phòng. Về cơ bản, trích lập dự phòng sẽ giúp doanh nghiệp bù đắp khoản lỗ do không thu được nợ, ngăn chặn nợ xấu có thể xuất hiện. Nguyên tắc để trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi đã được quy định cụ thể trong Chuẩn mực Kế toán quốc tế 37 (IAS 37), hoặc trong thông tư số 13/2006/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 27/2/2006. Thế nhưng, cho đến nay, rất ít doanh nghiệp chịu trích lập dự phòng các khoản phải thu, vì điều này sẽ làm tăng chi phí, ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận. Tuy nhiên, trong lúc này trích lập dự phòng là việc cần làm.

 

TRÍCH LẬP DỰ PHÒNG CÁC KHOẢN PHẢI THU LÀ VIỆC ĐẦU TIÊN DOANH NGHIỆP CẦN LÀM ĐỂ QUẢN LÝ NỢ XẤU

 

Tính lãi suất trên nợ quá hạn: Đối với những khách hàng “chây lì”, doanh nghiệp có thể áp dụng lãi suất trên khoản nợ khó đòi, tương đương lãi suất cho vay của ngân hàng. Đây là cách để buộc khách hàng có trách nhiệm hơn với khoản nợ, cũng như giúp doanh nghiệp bớt đi một phần chi phí nợ.

Chiết khấu nợ khó đòi: Nếu khách hàng thực sự gặp khó khăn trong khâu thanh toán, chiết khấu nợ là giải pháp cần thiết. Đây là hình thức giảm giá trị khoản nợ cho khách hàng, tạo điều kiện để khách hàng có thể thanh toán nợ dứt điểm. Giá trị chiết khấu tùy thỏa thuận giữa hai bên. Dù có thể chịu thiệt chút đỉnh nhưng đổi lại doanh nghiệp sẽ sớm cắt bỏ được “cục nợ” dai dẳng.

Tìm kiếm dịch vụ hỗ trợ: Đối với khách hàng không chịu thanh toán nợ, hoặc cố tình trì hoãn, doanh nghiệp có thể nhờ cậy đến công ty thu nợ hoặc luật sư chuyên giải quyết công nợ. Những người này sẽ cố gắng thu hồi những khoản phải thu cho doanh nghiệp thông qua đàm phán, thương lượng hoặc kiện tụng. Nhưng thực hiện các giải pháp này doanh nghiệp thường mất nhiều thời gian và chi phí.

Ngoài ra, để xử lý nợ, doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, có thể sử dụng dịch vụ bao thanh toán (factoring) để được chiết khấu, có khi lên đến 80% giá trị khoản phải thu.

Doanh nghiệp cũng có thể xử lý nợ xấu thông qua việc bán nợ cho các tổ chức mua bán nợ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện chỉ có một đơn vị duy nhất thực hiện dịch vụ này là Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC). DATC là công ty thuộc Bộ Tài chính, chuyên xử lý nợ xấu cho các ngân hàng và doanh nghiệp cả nước. Vì vậy, doanh nghiệp cổ phần hoặc tư nhân chỉ có thể hy vọng tìm đến giải pháp này trong tương lai.

Chặt chẽ trong quản lý nợ: Tuy được nhắc đến sau nhưng đây là bước doanh nghiệp phải thực hiện trước hết, một cách thường xuyên, liên tục trong quá trình hoạt động kinh doanh. Cách tốt nhất để quản lý nợ xấu là đừng để nó xảy ra. Doanh nghiệp phải nắm rõ danh mục nợ phải thu và có kế hoạch thu nợ rõ ràng, không để phát sinh nợ khó đòi. Muốn vậy, doanh nghiệp phải kiện toàn bộ máy kế toán, thực hiện nghiêm túc chế độ kế toán quản trị. Đặc biệt, doanh nghiệp cần tăng cường kiểm tra các quan hệ giao dịch thường xuyên có số dư phải thu lớn.

TRÍCH LẬP DỰ PHÒNG NỢ KHÓ ĐÒI NHƯ THẾ NÀO?

Thông tư số 13/2006/TT-BTC (27/2/2006) của Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự phòng quy định:

Đối với nợ phải thu quá hạn thanh toán, doanh nghiệp phải trích lập dự phòng theo các mức: 30% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm; 50% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 1 năm đến dưới 2 năm; 70% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 2 năm đến dưới 3 năm.

►Đối với nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng khách hàng mất khả năng thanh toán, doanh nghiệp cần tính toán trước mức tổn thất không thu hồi được để trích lập dự phòng.

Sau khi lập dự phòng cho từng khoản nợ phải thu khó đòi, doanh nghiệp tổng hợp toàn bộ khoản dự phòng các khoản nợ vào bảng kê chi tiết để làm căn cứ hạch toán vào chi phí quản lý của doanh nghiệp.

CÔNG TY MUA BÁN NỢ VÀ TÀI SẢN TỒN ĐỌNG CỦA DOANH NGHIỆP (DATC)

Chức năng: Mua, tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản tồn đọng của các doanh nghiệp (bao gồm cả tài sản và quyền sử dụng đất được sử dụng để đảm bảo cho khoản nợ).

Địa chỉ: 51 Quang Trung, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Điện thoại: Phòng Mua bán nợ (04) 39454915; Phòng Thu nợ và Xử lý tài sản (04)39454912; Phòng Pháp chế Tư vấn và Hợp tác (04) 39454911.

Website: http://www.datc.com.vn/

Tổng Giám đốc: Phạm Thanh Quang

Theo NCĐT


Các tin khác