Kinh doanh năm 2012: Trọng tâm là sản phẩm xoay vòng vốn nhanh
Mặt bằng lãi suất cho vay khoảng 15 – 16%/năm. Do vậy, các doanh nghiệp phải chọn lĩnh vực, cải tiến sản phẩm để mang lại khả năng quay vòng vốn nhanh nhất. Đó là gợi ý của các chuyên gia tại hội thảo “Nhận diện kinh tế Việt Nam năm 2011, kịch bản năm 2012” do trường đào tạo Doanh nhân PTI phối hợp tổ chức hôm qua (27.11) tại Hà Nội.

Lạm phát đứng thứ 2 trên thế giới

Ông Trương Đình Tuyển, chuyên gia tư vấn chính sách cho Chính phủ nhận xét, năm 2011, những khó khăn nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt, đó là: lạm phát rất cao – đứng thứ 2 trên thế giới, đẩy lãi suất tín dụng tăng lên, làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp; số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động tăng 21,8% so với năm 2010. Hàng tồn kho tăng, sức mua giảm, doanh số bán lẻ và tiêu dùng dịch vụ chỉ tăng khoảng 4% (sau khi đã loại trừ yếu tố tăng giá) – mức tăng thấp nhất từ trước đến nay; chỉ số công nghiệp giảm dần từ cuối quý III; thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản trì trệ; sức ép giảm giá VND tăng mạnh vào cuối năm, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại tăng cao...

Theo viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, từ năm 2008 đến nay, doanh nghiệp liên tục phải chịu lãi suất cao, khiến cho sức lực trở nên kiệt quệ, trường hợp phải đóng cửa tăng ít nhất 30% so với 2010. Tuy nhiên, trong điều kiện nền kinh tế khó khăn, thu ngân sách của chúng ta vẫn ở tỷ lệ 28% GDP trong khi mức trung bình của thế giới chỉ khoảng 20 – 21%; chi ngân sách còn “oách” hơn nữa khi tới 33% GDP. “Điều đó cho thấy, sự chia sẻ giữa Nhà nước và doanh nghiệp có lẽ cần xem lại khi khó khăn chung dồn lên vai doanh nghiệp”, ông Thiên nói. .

Để đỡ gánh nặng cho doanh nghiệp, viện trưởng viện Kinh tế cho rằng, năm 2012, chúng ta phải chấp nhận trả giá để hạ nhanh lạm phát, tái lập ổn định vĩ mô vững chắc, khôi phục lòng tin và phục hồi các cơ sở tăng trưởng. Theo đó, phải đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 6 – 7% thay vì dưới 10% như Quốc hội vừa thông qua; tăng trưởng GDP chỉ 3 – 4%, cùng lắm là 5%; kiên quyết giảm thu ngân sách xuống 24 – 25% GDP, trên cơ sở đó giảm chi ngân sách, giảm đầu tư công, giảm thu ngân sách xuống 4%.

2012: lãi suất cho vay phổ biến 15 – 16%/năm?

Chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, ông Tuyển cho biết, năm 2012, Chính phủ cũng chủ trương giảm mức huy động từ ngân sách để nuôi dưỡng nguồn thu, tăng sức đầu tư từ khu vực dân doanh. Theo đó, sẽ trình Quốc hội ban hành chính sách giảm, giãn thuế cho các doanh nghiệp như thuế Giá trị gia tăng, thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu... Tuy nhiên, ông Tuyển cũng nhấn mạnh: “Chúng ta khó đạt mức tăng trưởng GDP 6% trong năm 2012 nếu vẫn giữ mô hình tăng trưởng như hiện nay là dựa vào vốn, tài nguyên và khu vực doanh nghiệp Nhà nước”. Theo ông Tuyển, các chính sách sẽ phải chuyển dòng vốn đầu tư từ ngân sách và vào các doanh nghiệp Nhà nước sang khu vực doanh nghiệp dân doanh.

Vậy doanh nghiệp phải làm gì trong năm 2012? Theo ông Tuyển, trước mắt, doanh nghiệp phải đánh giá lại chiến lược kinh doanh gắn với sự di chuyển dòng tiền, vốn tín dụng. Theo đó, năm 2012, mục tiêu kiềm chế lạm phát tối đa 10%, do vậy, mặt bằng lãi suất huy động dự báo khoảng 12%/năm (chênh lệch giữa kỳ vọng lạm phát và lãi suất huy động 2% là hợp lý), lãi suất cho vay phổ biến 15 – 16%/năm, một số lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu... lãi suất có khả năng thấp hơn nữa. Doanh nghiệp cần lấy trọng tâm là những lĩnh vực, mặt hàng mà khả năng xoay vòng vốn nhanh nhất, dễ thâm nhập thị trường nhất. Cụ thể như những doanh nghiệp xuất khẩu có thể thúc đẩy những mặt hàng lâu nay Thái Lan đang có thế mạnh như nông sản, thủy sản, giày dép, may mặc... Đối với những doanh nghiệp nội địa, cần tăng cường khai thác thị trường nông thôn – đang lớn dần lên do thu nhập người dân dần được cải thiện.

Theo SGTT.VN


Các tin khác