Không bắt buộc thưởng tết

TT - Chiều 7-1, Sở Lao động - thương binh & xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM đã họp báo về tiền lương năm 2009 và thưởng tết năm 2010 của doanh nghiệp. Đại diện sở này cho biết đối với ngành lao động không hề có văn bản pháp luật nào nhắc đến cụm từ “lương tháng 13”.

>> TP.HCM: thưởng tết cao nhất 389 triệu đồng

 
 

Theo bà Nguyễn Thị Dân - trưởng phòng lao động tiền lương, tiền công Sở LĐ-TB&XH TP, “lương tháng 13” chỉ là cách hiểu nôm na của doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) đối với quỹ lương dự toán dôi dư hằng năm của DN. Trước đây, mỗi năm DN đăng ký quỹ lương dự toán, nếu cuối năm quỹ lương này dư ra thì DN chia đều cho NLĐ. Trường hợp quỹ lương không dư thì không phải bổ sung lương cho NLĐ.

Chỉ là thỏa ước

Bà Dân cho biết năm 2004 Tổng cục Thuế có công văn về việc hạch toán lương tháng 13 vào chi phí hợp lý cho DN. Theo đó, hằng năm DN đăng ký với cơ quan thuế về tổng quỹ lương (lương tháng 13 và các khoản tiền lương bổ sung) phải trả trong năm. Khoản tiền này được hạch toán vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN nếu được đưa vào hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể. Tuy nhiên, sau đó việc đăng ký quỹ lương với cơ quan thuế hằng năm của DN đã bị bỏ.

Như vậy theo bà Dân, nếu trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể không ghi rõ trả lương tháng 13 thì NLĐ không thể yêu cầu DN trả khoản tiền này. Cũng trong trường hợp này, nếu quỹ lương dự toán trong năm dôi dư ra thì DN không phải chia đều cho NLĐ mà sử dụng cho các chi phí khác, miễn sao có đủ chứng từ hợp lệ.

Cũng theo bà Dân, Bộ luật lao động không bắt buộc DN phải thưởng tết. Việc thưởng tết là căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm của DN và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ. “Trong trường hợp DN làm ăn lỗ lã hoặc năng suất lao động của NLĐ không cao, DN có quyền không thưởng”. Quy chế thưởng do DN quyết định khi tham khảo ý kiến ban chấp hành công đoàn cơ sở.

Doanh nghiệp chủ động

Bà Dân cho biết trước đây, nghị định 197 (ban hành năm 1994) có quy định thưởng tết cụ thể đối với DN nước ngoài, DN trong khu chế xuất, khu công nghiệp không thấp hơn một tháng lương theo hợp đồng; DN thuộc thành phần kinh tế quốc doanh thưởng không quá sáu tháng lương theo hợp đồng; mức thưởng trong DN tư nhân ít nhất bằng 10% lợi nhuận. Thế nhưng đến năm 2002, nghị định 197 đã được thay thế bởi nghị định 114, nghị định mới này không quy định cụ thể việc thưởng tết như đã nói trên.

Theo đó, đối với DN nhà nước tùy theo lợi nhuận và hiệu quả làm việc của NLĐ, DN trích lập quỹ khen thưởng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Đối với DN thuộc thành phần kinh tế khác cũng vậy, việc thưởng cho NLĐ trên cơ sở hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể mà hai bên đã thỏa thuận.

“Trường hợp DN đã công khai thưởng tết và đúng với quy chế trả lương, thưởng và trong thang, bảng lương thì phải thực hiện đúng như công bố. Nếu DN nào làm sai cơ quan chức năng sẽ chế tài, NLĐ và ban chấp hành công đoàn có thể khởi kiện DN về hành vi này” - bà Dân nhấn mạnh. DN nào không xây dựng thang, bảng lương và quy chế trả lương, thưởng thì hai bên tự thỏa thuận với nhau. Ông Nguyễn Văn Xê - phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP - khẳng định việc trả lương, thưởng do DN chủ động, cơ quan chức năng không can thiệp, miễn sao việc xây dựng thang, bảng lương đúng với quy định của pháp luật.

TRUNG CƯỜNG

Thưởng tết cao nhất 389 triệu đồng

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, mức thưởng tết năm 2010 cao nhất của các DN trên địa bàn TP thuộc về một DN nước ngoài trong ngành xây dựng (trong khu chế xuất - khu công nghiệp) là 389 triệu đồng/người. Đối với DN trong nước trong KCX-KCN mức thưởng cao nhất 185 triệu đồng/người.

Còn mức thưởng tết cao nhất ở khu vực ngoài KCX-KCN, đối với DN nhà nước là hơn 68 triệu đồng/người, DN dân doanh là 176 triệu đồng/người và DN nước ngoài là hơn 209 triệu đồng/người (chi tiết xem thêm bảng).

mức thưởng tết năm 2010 (đơn vị tính: 1.000 đồng/người)

 

Loại doanh nghiệp

 

Cao nhất

 

Bình Quân

 

Thấp nhất

 

Doanh nghiệp nhà nước

 

68.410

 

5.955

 

3.114

 

Doanh nghiệp dân doanh

 

176.000

 

3.338

 

1.887

 

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

 

209.400

 

2.007

 

1.219

 

Doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước (trong khu chế xuất - khu công nghiệp)

 

185.000

 

1.600

 

900

 

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (trong khu chế xuất - khu công nghiệp)

389.000

 

1.950

 

1.200

 


Các tin khác