Giữ vững tinh thần cho nhân viên, khiến họ vẫn cảm thấy có động lực và tận tụy với công việc trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như thế này quả giống như một nhiệm vụ trên trời, nhất là sau khi liên tục cắt giảm và thu hẹp quy mô. Vậy phải làm gì để giữ cho các “cầu thủ” đứng vững trên đấu trường?
Những nhà quản lý trên khắp đất nước này đang phải đối mặt với việc đưa ra các quyết định khó khăn khi họ cố gắng thu xếp chi phí hợp lý trong khi mức cầu trên thị trường lại đang giảm. Trong nhiều trường hợp, điều này tác động mạnh tới chi phí nhân công và một số đối sách tương ứng là cho người lao động nghỉ phép, sa thải tạm thời, hay các cách cắt giảm khác. Nhưng không may, chính sự ứng phó như vậy của các nhà quản lý đôi khi lại dẫn tới những hậu quả không hay, ảnh hưởng tiêu cực tới chí khí, sự tận tụy của nhân viên.
Nhân tố thành công lú này chính là làm chủ được nguồn nhân lực – nhân viên lúc nào cũng phải bận rộn, sẵn sàng thể hiện tinh thần làm chủ. Họ có thể giới thiệu những nhân viên mới cho tổ chức, và nỗ lực tham gia vào công cuộc cải tổ sản phẩm, dịch vụ, và quy trình vận hành hiện thời. Tinh thần chung tay góp sức này chắc chắn sẽ dẫn dắt công ty vững bước trên con đường thành công, và có ý nghĩa thật sự lớn lao – đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn như hiện nay.
Dưới đây là ba lời khuyên để duy trì và thúc đẩy văn hóa tập thể tại tổ chức của mình:
1. Điệp khúc: Giao tiếp, giao tiếp và giao tiếp
Dĩ nhiên có thể bạn đang quá bận rộn với việc kiếm tìm mối làm ăn để giữ cho công ty không bị chìm trong bể suy thoái. Tuy nhiên, nhân viên của bạn với một tinh thần sở hữu tập thể cũng muốn biết chuyện gì đang xảy ra với tổ chức mà họ gắn bó. Hãy thường xuyên dành thời gian để trao đổi, cung cấp thông tin cần thiết giúp họ hiểu rõ viễn cảnh về những việc làm ngắn hạn. Cũng không kém phần quan trọng, hãy cho họ biết về những kế hoạch chi tiết sẽ được sử dụng trong 18 - 24 tháng tiếp theo để tái cơ cấu lại tổ chức, tiến tới một giai đoạn phát triển mới.
Hiện nay, ở nhiều tổ chức, lúc nào cũng tràn ngập không khí căng thẳng, âu lo, trạng thái bấp bênh. Trong một vài trường hợp, điều đó ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng và năng suất làm việc. Đơn thuần chỉ là việc nhận ra mối quan tâm của các nhân viên thôi cũng có thể giúp họ giảm bớt trạng bất an. Cũng chẳng mất mát gì khi bạn thẳng thắn trò chuyện, hỏi ý kiến của những người làm việc dưới quyền, mà thậm chí những lần trao đổi như vậy sau này lại trở thành những kỉ niệm đáng nhớ.
Những việc làm chẳng phải quá to tát này, kết hợp với động lực cho ra đời các ý tưởng mới nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, có thể sẽ rất hiệu quả trong việc truyền đi một thông điệp lạc quan giữa bối cảnh mà đâu đâu cũng thấy sức ép. Chúng có thể sẽ khơi gợi nơi nhân viên những hành động “vì tập thể” – tinh thần gắn bó với công ty, làm việc năng suất cao và nhìn nhận người khác như những nhân viên đầy tiềm năng – mà những hành động này càng làm gia tăng giá trị vững bền của các thành viên trong một tổ chức.
2. Khơi gợi bản chất tốt đẹp bên trong mỗi nhân viên
Cuộc suy thoái kinh tế trong thời điểm này đang mang lại cho chính quyền quốc gia một nền tảng để xây dựng một tập thể toàn dân dựa trên tinh thần tự nguyện. Trong phạm vi một công ty, nền tảng đó tạo ra môi trường đầy sôi nổi, nhiệt huyết, đủ để lôi kéo tất cả mọi người tham gia vào công cuộc đổi mới tổ chức, tiền đề để giành chiến thắng trên thương trường cạnh tranh trong tương lai.
Đây chính là lúc tuyệt vời để khuyến khích tư duy sáng tạo của các nhân viên, giải quyết các vấn đề trước sự xuống dốc của nền kinh tế. Điều này không có nghĩa là bạn phải kì công dựng lên một “chương trình hành động” hết sức tỉ mỉ, mà chỉ đơn giản là sự kêu gọi khéo léo.
Nhiều khi bạn chỉ cần khuấy động lại một nỗ lực đã có sẵn. Chẳng hạn như hướng các buổi thảo luận vào những vấn đề như đánh giá kết quả khảo sát, bàn bạc ý kiến để tìm ra cách nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng…. như một phần của chương trình học hỏi và lắng nghe liên tục. Nhờ đó, các bản báo cáo về khách hàng gần như là sự tổng hợp các quan sát, và ý kiến của tất cả các nhân viên.
3. Thu hút nhân tài: Tránh tình trạng đóng băng nguồn lực
Kẻ chiến bại thường thích làm việc với kẻ chiến bại, kẻ thua cuộc cũng thích làm việc với kẻ chiến thắng; nhưng những người giành được vinh quang lại chẳng thích làm việc với những kẻ thất bại. Vậy ai là những kẻ thua cuộc? Thật trớ trêu, nhiều khi đó không phải là những người đang làm việc ở dưới mức trung bình; họ có thể được đào tạo và hỗ trợ theo đúng cách để nâng cao hiệu suất làm việc. Mà trên thực tế, kẻ thua cuộc thường là những người vi phạm quy tắc chung của tổ chức, và không thể quản lý bằng các giá trị mà mọi người cùng chia sẻ.
Trong bối cảnh riêng của từng tổ chức, văn hóa riêng của từng doanh nghiệp, họ bị đồng nghiệp coi như những kẻ “xuẩn ngốc”. Tuy nhiên, hầu hết kẻ “thua cuộc” đơn giản chỉ là những người không cảm thấy có cảm hứng, sôi nổi với công việc kinh doanh, những người chỉ có ý định hoàn thành những gì cần thiết tối thiểu mà chẳng có ý định vươn xa hơn.
Thời điểm này là rất thích hợp để những kẻ thua cuộc ra đi, và bằng cách đó nâng mức độ tài năng trung bình trong tổ chức lên một bậc cao hơn. Mặc dù vậy, điều này không đồng nghĩa với việc đóng băng tuyển dụng. Thay vào đó, đây chính là lúc để khai thác tối ưu thị trường nhân tài đang bị đè nén bằng cách tạo ra một số chiêu thức chiến lược để thu hút được những ứng cử viên lâu nay đã nằm trong tầm ngắm từ phía đối thủ cạnh tranh hoặc các tổ chức khác.
Bài viết của Marshall Goldsmith trên Harvard Business Publishing