Giảng viên ĐH: Đủ điểm vào Kinh tế, Ngoại thương đừng học ngành 'Quản trị kinh doanh', thiếu kinh nghiệm sống và làm việc sẽ chẳng thu được gì sau 4 năm học tập!
 Ở nước ngoài, muốn học 'Quản trị kinh doanh' thì bạn buộc phải có ít nhất 2 năm đã đi làm. Còn ở Việt Nam, 'Quản trị kinh doanh' được dạy cho những cô cậu sinh viên mới mười tám đôi mươi.
      Giảng viên ĐH: Đủ điểm vào Kinh tế, Ngoại thương đừng học ngành 'Quản trị kinh doanh', thiếu kinh nghiệm sống và làm việc sẽ chẳng thu được gì sau 4 năm học tập!
 Vào lúc này, khi điểm thi đã được công bố, có lẽ những giây phút căng thẳng nhất đã bắt đầu đến với các sĩ tử. Nếu 'chọn trường nào' là câu hỏi đã được trả lời xong thì giờ đây điều nan giải là 'nên chọn ngành nào?'.

Nhiều câu hỏi được đặt ra: Chọn ngành nào để mình được đỗ? Chọn ngành nào để mình thích học? Chọn ngành nào để ra trường sẽ kiếm được việc và lương cao?

Đối với các bạn chọn trường về kinh tế, sự lựa chọn được thu hẹp trong những cụm từ: Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kinh tế quốc tế....Cách đây không lâu, bài viết của một giảng viên kinh tế đã thu hút sự chú ý của dư luận.

Khác với những chia sẻ bình thường về chọn trưởng, chọn ngành nào, tác giả bài viết đã đưa ra một góc nhìn rất gai góc nhưng không thể không chú ý: Nếu chọn trường kinh tế thì đừng học ngành Quản trị Kinh Doanh.

Bài viết có tiêu đều: "QUẢN TRỊ KINH DOANH? ĐỪNG!"

Giảng viên Trần Trung Kiên đưa ra quan điểm: "Quản trị kinh doanh không phải là một nghề! Và ngành này cũng không nên học ở bậc đại học...". Những lý do được giảng viên đưa ra như sau.

"Quản trị cái gì khi mới mười tám đôi mươi?"

"Ngành Quản trị kinh doanh, nói ngắn gọn là đào tạo ra những nhà Quản trị doanh nghiệp. Những môn Quản trị được dạy phổ biến tại các trường đại học Việt Nam, Mỹ, và khắp nơi trên thế giới như human resources management (Quản trị nguồn nhân lực), retail management (Quản trị bán lẻ), organizational behavior (hành vi tổ chức), business law (luật kinh tế), marketing management (Quản trị marketing) v.v...

Anh chị nào cho rằng ở tuổi mười tám hai mươi mình nên bỏ ra một đống tiền (của cha mẹ) rồi một đống thời gian vào trường ngồi nghe những thứ trên?


Xin hãy học Quản trị bản thân trước khi học Quản trị kinh doanh

Xin hãy học 'Quản trị bản thân' trước khi học 'Quản trị kinh doanh'

Các anh chị đang mười tám hai mươi, phần lớn đang đi học bằng tiền bạc do cha mẹ chu cấp, chưa có một công việc chính thức nào để tự nuôi sống bản thân mình. Ai trong số các anh chị cho rằng mình đủ sức Quản trị một doanh nghiệp, hay một bộ phận trong doanh nghiệp ?

Ai trong các anh chị tự tin nói rằng, bằng những thông tin thu nhặt được tại đại học về Quản trị kinh doanh, anh chị sẽ mở công ty làm ăn thành công, hoặc sẽ leo cao trên nấc thang công việc (corporate ladder)?

Cho nên, việc theo đuổi ngành Quản trị kinh doanh ở bậc đại học, với phần lớn các anh chị đang ở độ tuổi mười tám hai mươi, sẽ là sai lầm! Các anh chị sẽ lãng phí thời gian và công sức của mình, sẽ lãng phí tiền bạc của cha mẹ!"

Quản trị kinh doanh không phải là một nghề!

"Nền kinh tế đa dạng hiện nay tạo ra rất nhiều công ăn việc làm khác nhau. Và, những công việc tốt nhất cho người mới đi làm luôn luôn gắn liền với một nghề cụ thể. Kỹ sư máy tính, bác sĩ y khoa, giảng viên đại học, kiến trúc sư, luật sư... hay đầu bếp, công nhân hàn, thợ điện nước, nhạc công, lái xe container... Tất cả đều có thể gọi tên dễ dàng bằng cách đặt chữ "nghề" phía trước, một cách trang trọng.

Quản trị kinh doanh không như vậy! Không có cái gì gọi là "nghề Quản trị kinh doanh" hết! Và không có ai mới ra trường mà có thể tự tin giới thiệu "tôi làm nghề Quản trị kinh doanh" cả!

Về phía sinh viên, như đã nói, vấn đề quan trọng nhất mà các anh chị cần thành thạo đơn giản là Quản trị bản thân mình. Anh chị không cần, và không nên tự gây áp lực cho chính mình bằng cách theo đuổi Quản trị kinh doanh để "sau này điều khiển người này hay sai khiến người khác".

Về phía giảng viên, phần nhiều giảng viên đang dạy ngành này chưa từng đi qua các nấc thang doanh nghiệp, chưa từng tự mở và điều hành một công ty. Chuyện này không chỉ phổ biến tại Việt Nam, mà tại Mỹ hay bất cứ đâu cũng vậy.

Anh chị có dám đi khám bệnh nơi một bác sĩ chưa từng làm tại bệnh viện? Vậy anh chị trông đợi gì ở một giảng viên nào đó chưa từng điều hành doanh nghiệp giảng dạy cho anh chị về Quản trị kinh doanh?


Làm sao một cô cậu học trò nói chuyện với người khác còn ngại mà có thể học được quản trị nhân sự?

Làm sao một cô cậu học trò nói chuyện với người khác còn ngại mà có thể học được quản trị nhân sự?

Anh chị có để ý vì sao gần như tất cả các đại học tại Việt Nam đều có ngành Quản trị kinh doanh? Đơn giản thôi, vì giảng viên chỉ cần dạy suông, sinh viên chỉ cần học suông, riêng học phí vẫn phải trả đầy đủ như mọi ngành khác.

Cho nên, Quản trị kinh doanh là cái mỏ vàng của sinh viên dành cho các đại học thay nhau đào từ năm này sang năm khác.Và nếu, anh chị may mắn được học ngành Quản trị kinh doanh với những người thầy giỏi cả về kinh nghiệm Quản trị điều hành công ty lẫn lý thuyết, được học tại một trường tốt, thì khi ra trường vẫn không đảm bảo cho anh chị một việc làm tốt.

Đơn giản vì, môi trường kinh doanh hiện nay tại Việt Nam ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố phi kinh tế, từ những tác vụ nhỏ hàng ngày cho tới quy mô lớn, nên ít có chỗ để triển khai các phương pháp Quản trị thuần túy. Thậm chí, các hãng tư vấn Quản trị hàng đầu thế giới như BCG, McKinsey hay cả RAND, nếu họ vào Việt Nam thì chưa chắc họ sẽ tư vấn được cái gì cho nên hồn".

Lời kết

Kết thúc bài viết của giảng viên kinh tế trên, người viết xin được nhắc tới câu chuyện rất thật về cách nhìn nhận của giáo dục nước ngoài về ngành học mang tên 'Quản trị kinh doanh'.

Ở các trường Đại học tại Việt Nam, ví dụ như Đại Học Ngoại Thương, Đại Học Kinh tế Quốc Dân....,ngành 'Quản trị kinh doanh' được có tên trên văn bằng Tiếng Anh là Business Administration.

Bây giờ, hãy thử nhìn vào các chương trình học ở các trường ĐH hàng đầu tại Anh, Mỹ thì bạn sẽ không thể tìm thấy một ngành học nào mang tên Business Administration.


Ở Mỹ, bạn thậm chí không được học Quản trị kinh doanh nếu quá non kinh nghiệm!

Ở Mỹ, bạn thậm chí không được học 'Quản trị kinh doanh' nếu quá non kinh nghiệm!

Sự thực là các nền giáo dục nước ngoài coi 'Quản trị kinh doanh' là một thứ gì đókhông thể đào tạo ngay được cho các cô cậu học trò mới 18, 19 tuổi. Họ sẽ cần học những tri thức nền tảng, thậm chí là cần thử mở một doanh nghiệp trước, lăn lộn với nó, rồi thất bại thì mới đi học 'Quản trị kinh doanh' để 'vỡ' ra nhiều bài học.

Sinh viên tại Anh, Mỹ sẽ chỉ được học 'Quản trị kinh doanh' tại một chương trình cao học danh giá mang tên MBA (Master of Business Administration). Để tham gia chương trình này, sinh viên phải có ít nhất là 2 năm kinh nghiệm làm việc. Thậm chí, những chương trình MBA danh giá của Harvard, Yale còn yêu cầu tới 5 -7 năm kinh nghiệm làm việc.

Đoạn cuối, tác giả có đưa ra những lời khuyên làm sao để chọn đúng ngành:

"Vậy anh chị nên làm gì?

Những gì người ta không dạy trong ngành quản trị kinh doanh:

1. Chọn một lĩnh vực có thể gọi là NGHỀ, học hỏi hết mình.

2. Đi làm thêm, bất cứ việc gì, dù là kiếm tiền hay làm thiện nguyện! Anh chị cần hiểu trước tiên là giá trị của lao động thực sự, giá trị của đồng tiền do chính đôi tay mình làm ra. Anh chị cần học cách tiêu tiền, cách tiết kiệm những đồng tiền mình làm được. Và, để nhận ra một bài học lớn, rằng cha mẹ mình đã vất vả tới mức độ nào để nuôi mình ăn học tới hôm nay.

3. Học cách quản trị thời gian của bản thân. Học cách quản trị các mối quan hệ mình đang có, từ bạn bè thầy cô tại trường, tới những đồng nghiệp tại chỗ làm. Học cách cân bằng tâm lý, khi mệt mỏi, khi chán nản, khi mất phương hướng... Học cách khiêm tốn khi đạt được những thành quả ban đầu.

4. Tìm cho mình một người thầy có kinh nghiệm điều hành kinh doanh, và học hỏi từ vị ấy. Vị này có thể là chính người cha người mẹ mình, hoặc anh chị mình, hoặc sếp nơi chỗ làm, hoặc, một người nào đó ta tình cờ quen biết.

5. Đọc sách: Nên bắt đầu từ việc đọc tự truyện của các doanh nhân, để ý coi họ khởi nghiệp như thế nào, họ thành công và thất bại ra sao. Ví dụ như cuốn What they don't teach you at Harvard Business School của tác tác giả Mark H. McCormack. Rồi sau đó mới đọc tới các sách về lý thuyết quản trị, các bài nghiên cứu lấy ra từ Harvard Business Review chẳng hạn.

6. Ra trường và đi làm. Để dành tiền sau hai ba bảy năm làm việc, rồi ghi danh học MBA, nghĩa là thạc sĩ quản trị kinh doanh. Anh chị có thể đăng ký vào một chương trình MBA uy tín nào đó tại Việt Nam, hay ghi danh vô Haas, vô HBS. Cho dù là trường nào thì anh chị luôn luôn phải tìm hiểu thật kỹ về profile của giảng viên, coi họ có xứng đáng để anh chị bỏ ra một đống tiền theo học hay không.

7. Lập lại từ bước thứ ba trở đi, ở mức độ tinh tế hơn".

Nói tóm lại, Quản trị kinh doanh là một ngành hay, nó là kết hợp hài hòa giữa kinh nghiệm thực tế và lý thuyết sách vở. Và vì tất cả những lý do trên, giảng viên này cho rằng các sinh viên tương lai của Việt Nam không nên theo học quản trị kinh doanh ở bậc đại học, dù trong nước hay du học.

"Các anh chị nên học để có một nghề, đồng thời học quản trị bản thân mình trước. Rồi sau đó theo thời gian, khả năng quản trị kinh doanh của anh chị sẽ tới sau. Và, để kết lại bài viết này, thầy xin chúc anh chị gặp thuận lợi và may mắn với lựa chọn của mình, rồi ra sức nỗ lực dấn thân vào nó"

 

Còn bạn thì sao, bạn có đồng tình với quan điểm của giảng viên này không?
                                                                                                                           Theo Trí Thức Trẻ


Các tin khác