Giải bài toán vốn cho ngành xây lắp

Sự chuyển biến tốt của thị trường bất động sản đang cho thấy triển vọng của phục hồi và sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới của ngành xây lắp. Giải bài toán vốn cho DN xây lắp để đón đầu sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường bất động sản đang được nhiều ngân hàng tính đến.

Đón đầu xu hướng này, thời gian qua nhiều ngân hàng đã tung ra gói tín dụng ưu đãi cho thị trường bất động sản. Ví như Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) với gói tín dụng 1,000 tỷ đồng cho DN xây lắp với lãi suất 8.5%/năm. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho biết đang nghiên cứu chương trình tín dụng bốn nhà dành cho thị trường bất động sản...

Ngành xây lắp khởi động

Vài năm qua, khi thị trường bất động sản bị đóng băng đã gây khó khăn cho nhiều ngành nghề khác như DN kinh doanh bất động sản, DN sản xuất vật liệu xây dựng, DN xây lắp, DN sản xuất, kinh doanh hàng trang trí nội thất và còn ảnh hưởng tới thanh khoản của ngân hàng, thu ngân sách nhà nước. Đến nay, tồn kho vật liệu xây dựng, nhất là kính xây dựng, xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh... vẫn đang cao.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, từ cuối năm 2013 sang đầu năm 2014, thị trường bất động sản có dấu hiệu khởi sắc với việc tăng số lượng giao dịch cũng như giá nhà có dấu hiệu chững lại, không giảm liên tiếp như các năm trước và thậm chí một số dự án có xu hướng tăng nhẹ.

Bên cạnh đó thống kê cho thấy, giá trị sản xuất ngành xây dựng năm 2013 (theo giá hiện hành) đạt 770.41 nghìn tỷ đồng (tăng 7% so với năm 2012), chiếm tỷ trọng 5,94% GDP cả nước và được đánh giá là một trong những yếu tố tích cực nhất trong tăng trưởng kinh tế của năm 2013. Sự ấm lên của thị trường bất động sản đang dần lan tỏa sang các ngành nghề khác, trong đó có DN ngành xây lắp (xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng, tư vấn xây dựng...).

Ông Nguyễn Hải Toàn, Phó giám đốc một công ty xây lắp tại Hà Nội, cho biết tốc độ tăng trưởng thị trường bất động sản sẽ ở nhịp chậm nên DN xây lắp vẫn đang phải loay hoay với nhiều khó khăn. “Với việc thị phần bị thu hẹp lại do đầu tư công vẫn ở mức hạn chế, trong khi cạnh tranh rất khốc liệt. Trong khi đó, DN xây lắp vẫn phải chi phí cho nhiều khoản mà chưa có nguồn để bù như: Tài sản (thiết bị thi công...) bị lưu kho, không đưa vào sản xuất, mà vẫn phải mất chi phí lưu kho, bảo trì; Bộ máy gián tiếp vẫn phải chi trả, trong khi không có việc; Chi phí tài chính (lãi vay) vẫn phải trả, trong khi chưa thu hồi vốn được”, ông Toàn biện dẫn.

Quan trọng hơn, các DN xây lắp hiện đang rất cần vốn vay với lãi suất ưu đãi để đầu tư cho sản xuất. Ông Nam, Tổng Giám đốc một công ty xây dựng tại Hà Nội, cho biết hiện nay, nhiều dự án dừng thi công trước đây của Công ty sẽ tiếp tục hoạt động trở lại. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi một lượng vốn lớn, trong khi nguồn vốn hiện nay của Công ty còn rất eo hẹp. Do vậy, Công ty đang rất cần những nguồn vốn giá rẻ từ nhà nước, ngân hàng hỗ trợ để tiếp tục triển khai dự án còn giang dở cũng như đấu thầu những dự án mới.

Ngân hàng mở hầu bao

Đón đầu xu hướng này, thời gian qua nhiều ngân hàng đã tung ra gói tín dụng ưu đãi cho thị trường bất động sản thay vì “thắt hầu bao” như nhiều năm trước. Gói 50,000 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) hợp tác với nhiều ngân hàng khác là một minh chứng. Hay như OceanBank với gói tín dụng 1,000 tỷ đồng cho DN xây lắp.

Theo đại diện của Oceanbank, quyết định dành 1,000 tỷ đồng hỗ trợ nguồn vốn cho các DN xây lắp để thanh toán các chi phí thực hiện hợp đồng với chủ đầu tư, phù hợp với dự toán công trình đã được Chủ đầu tư phê duyệt như: Thanh toán tiền mua hàng hoá, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào; thanh toán tiền lương nhân công, chi phí vận chuyển, thuê lán trại; thanh toán cho Nhà thầu phụ và các chi phí hợp lý khác phù hợp với dự toán đã được phê duyệt.

Theo đó, khoản vay sẽ được Oceanbank cho vay với mức lãi suất 8.5%/năm trong 03 tháng đầu, đây là mức lãi suất ưu đãi giảm 2%-3%/năm so với mức lãi thông thường. Bên cạnh đó, khách hàng còn được hưởng các ưu đãi về phí, cụ thể: Giảm tới 30% phí bảo lãnh, mức kí quỹ tối thiểu 0%, giảm tới 30% phí chuyển khoản trong và ngoài hệ thống liên quan đến công trình/ dự án do OceanBank tài trợ vốn trong vòng 03 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên.

Bà Đặng Quỳnh Mai, Giám đốc Khối KHDN Oceanbank, cho biết với sản phẩm "Cấp tín dụng DN xây lắp” cùng định hướng“Vững tài chính – Chắc công trình“, Oceanbank hy vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho các DN thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và là điểm tựa tài chính cho DN".

Không chỉ các ngân hàng, mà ngay cả NHNN cũng muốn đánh thức thị trường bất động sản. Mới đây NHNN cũng vừa có thông tin chính thức về việc sẽ đưa ra chương trình tín dụng bốn nhà dành cho thị trường bất động sản. Hiện NHNN đang nghiên cứu triển khai thí điểm hoàn toàn khác và không liên quan đến chương trình hỗ trợ tín dụng 30,000 tỷ xét về các mặt như cơ chế tín dụng, nguồn vốn, lãi suất, thời hạn cho vay, đối tượng khách hàng...

Trong bối cảnh các DN đang gặp khó khăn nhưng có nhiều tín hiệu phục hồi như hiện nay thì việc các ngân hàng dồn những nguồn vốn lãi suất rẻ hỗ trợ sẽ là cửa mở không chỉ dành cho các DN xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng mà còn có tác động kích thích đối với rất nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác trong xã hội phát triển.

Theo NHNN, việc các ngân hàng đưa ra các gói tín dụng dành riêng cho thị trường bất động sản cũng rất đáng khuyến khích bởi nó sẽ hỗ trợ tiêu thụ hàng tồn kho vật liệu xây dựng, giải quyết nợ xấu.
                                                                                                                 Theo: Vietstock.vn


Các tin khác