Đối tác chiến lược trong doanh nghiệp là ai?
Cuộc khủng hoảng kinh tế trên toàn cầu vừa qua cho thấy, chính đội ngũ nhân sự tài chính kế toán là “đối tác chiến lược” trong doanh nghiệp, giúp tạo nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy trong thời kỳ kinh tế khó khăn, những công ty có đội ngũ tài chính, kế toán mạnh sẽ sớm tìm thấy định hướng mới và nhanh chóng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng.
Nền tảng cho sự phát triển
Ngày nay, các chuyên viên kế toán, tài chính không chỉ là người có nhiệm vụ giữ sổ sách kế toán cho công ty, mà còn đóng vai trò đối tác chiến lược của doanh nghiệp, có trách nhiệm khởi xướng và quyết định việc tái cơ cấu kinh doanh, phát triển các mô hình tài chính và phân tích dự báo tài chính cũng như các công việc chiến lược quan trọng khác.
Sự thay đổi này cũng xảy ra tương tự tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi bộ phận kế toán, tài chính đang đóng góp vào vai trò chiến lược trong việc phát triển tổ chức, thì nguồn cung nhân lực của ngành này vẫn chưa thật sự đáp ứng được những yêu cầu của nhà tuyển dụng. Điều này dẫn đến “cuộc chiến giành nhân tài” giữa các nhà tuyển dụng trong việc thu hút và gìn giữ nhân tài nói chung, và nhân tài kế toán/tài chính nói riêng.
Theo kết quả nghiên cứu trong ba quý đầu năm 2010 do Navigos Group tiến hành, nhân lực kế toán, tài chính xếp thứ ba trong số năm bộ phận chức năng có nhu cầu tuyển dụng cao nhất cho các vị trí điều hành. Trong đó, 25% là nhu cầu tuyển cho các vị trí giám đốc và quản lý tài chính, 4% cho vị trí kiểm soát viên tài chính, 38% cho vị trí kế toán trưởng và chuyên viên kế toán là 33%. Nghiên cứu này cũng cho thấy, ngân hàng và các công ty tài chính có nhu cầu về nhân lực kế toán, tài chính cao nhất, chiếm 46% trong tổng số nhu cầu về nhân lực kế toán, tài chính. Tiếp theo là các công ty thương mại, dịch vụ với 32% và nhu cầu đối với các công ty trong ngành sản xuất, cơ khí, xây dựng là 22%.
Hơn nữa, theo kết quả trong một cuộc khảo sát của Hiệp hội Kế toán công chứng (ACCA) - hiệp hội nghề nghiệp quốc tế lớn nhất hiện nay, thực hiện năm 2010 trên 105 quốc gia, một nửa trong số 1.400 người tham gia khảo sát đồng ý rằng, một nhà lãnh đạo tài chính cần phải có khả năng xây dựng tầm nhìn chiến lược cho công ty, khả năng quản lý sự thay đổi và sự nhạy bén trong kinh doanh là những yêu cầu khác với 46% và 43% số người trả lời.
Từ nghiên cứu trên cho thấy, nhu cầu tuyển dụng nhân tài trong ngành kế toán, tài chính đang tăng lên. Tuy nhiên, theo số liệu của Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và tư vấn về ngân hàng, tài chính và chứng khoán, trong năm 2009 chỉ có 4% sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành kế toán, tài chính tìm được việc làm trong ngành. Chương trình đào tạo thiên về lý thuyết và nặng về thi cử ở Việt Nam hiện nay là những rào cản khiến cho sinh viên vừa ra trường thiếu những kỹ năng cần thiết để có thể đáp ứng được những yêu cầu ngày càng tăng của nhà tuyển dụng.
Đào tạo theo cách riêng
Theo kết quả từ khảo sát của ACCA, gần 70% trên tổng số 1.400 người được hỏi cho rằng, xây dựng chương trình chính qui để phát triển nguồn nhân lực trong ngành tài chính là vấn đề hết sức quan trọng của các doanh nghiệp. Ngoài ra, 75% số người được hỏi cũng cho rằng, chương trình quản lý nhân lực rất quan trọng góp phần nâng cao kỹ năng chuyên môn về tài chính còn yếu kém ở nhiều doanh nghiệp hiện nay.
Cuộc khảo sát của ACCA còn chỉ ra, 76% người được hỏi tin rằng mục đích hàng đầu của chương trình quản lý nhân lực là nhằm giúp doanh nghiệp gìn giữ nhân tài, trong khi đó 60% người lại nhìn nhận thu hút và tuyển dụng các ứng viên có năng lực là những mục tiêu quan trọng của chương trình. Ông Reza Ali, Giám đốc phát triển kinh doanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ACCA cũng cho biết: “Từ cuối năm 2008, suy thoái kinh tế đã mang lại cho bộ phận tài chính một cơ hội để định hình và khẳng định vai trò của mình trong sự phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để nắm được cơ hội này, các nhà lãnh đạo cần có sự đầu tư hợp lý để phát triển các năng lực và kỹ năng cần thiết của nhân sự kế toán, tài chính, trong đó bao gồm cả các vấn đề phát hiện, phát triển và gìn giữ nhân tài trong lĩnh vực tài chính/kế toán.
ANZ là một ví dụ điển hình của một thương hiệu tuyển dụng tốt trên thị trường hiện nay. Hiện tại, ANZ đang thực hiện những khóa đào tạo tiên tiến và các chương trình phát triển để đáp ứng nhu cầu nâng cao kỹ năng cho nhân viên, đồng thời đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Bà Đỗ Phương Thủy, phụ trách nhân sự của ANZ chia sẻ: “Tại ANZ, chúng tôi chú trọng phát triển nhân tài (những nhân viên có tiềm năng với kết quả làm việc xuất sắc) không chỉ ở phạm vi quốc gia mà còn trong khu vực (châu Á - Thái Bình Dương và tiểu vùng Mêkông) cũng như trên toàn cầu. Chúng tôi có nhiều chương trình khác nhau cho những cấp bậc khác nhau về kỹ năng lãnh đạo, đưa đến cơ hội giao lưu với lãnh đạo cấp cao (tập đoàn và vùng), đồng thời tham gia vào các dự án hoặc đi biệt phái ở các lĩnh vực khác hoặc quốc gia khác. Chương trình này giúp các nhân viên mở rộng tầm nhìn, tích lũy kinh nghiệm, trau dồi các kỹ năng lãnh đạo, làm việc nhóm để sẵn sàng bổ nhiệm cho các vị trí cao hơn sau hai năm tham gia chương trình”.
Một chương trình đào tạo và phát triển nhân tài hợp lý có thể đặt nền móng cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đây được xem là chìa khóa giúp doanh nghiệp giải quyết những thách thức nhân sự trong tất cả các lĩnh vực, chứ không chỉ riêng nhân sự trong ngành kế toán/tài chính.
Tuy nhiên, việc tuyển dụng cũng được các doanh nghiệp chú ý vì nhân sự kế toán, tài chính ngày càng tỏ rõ vai trò không thể thiếu.
Tuyển dụng bằng thương hiệu
Thương hiệu tuyển dụng là bí quyết quan trọng giúp các doanh nghiệp không những thu hút mà còn giữ chân nhân tài
Thương hiệu tuyển dụng là bí quyết quan trọng giúp các doanh nghiệp không những thu hút được nhân tài mà còn giúp giữ chân được nhân tài lâu dài. Khi chúng tôi thực hiện khảo sát trên 3.000 người tại Việt Nam, 32% người được hỏi cho rằng, thương hiệu tuyển dụng là một trong những tiêu chí khiến họ chấp nhận một lời mời công việc mới. Tuy nhiên, không phải tất cả các công ty tại Việt Nam đều quan tâm đến điều này. Các công ty cần hiểu được lý do vì sao nhân tài muốn làm việc cho họ và vì sao muốn gắn bó lâu dài với công ty. Từ đó, có thể đưa ra một thông điệp rõ ràng và thực hiện chiến lược truyền thông phù hợp để truyền tải một cách hiệu quả giá trị thương hiệu của mình. Những nghiên cứu này có thể xem là bước đầu trong kế hoạch xây dựng thương hiệu tuyển dụng cho doanh nghiệp.
Lấy ví dụ cụ thể từ công ty Aon Việt Nam. Bà My Lan, Tổng giám đốc của Aon Việt Nam khẳng định, xây dựng thương hiệu tuyển dụng là một trong những chiến lược quan trọng mà công ty này đã và đang áp dụng. Cụ thể, Aon luôn cố gắng để xây dựng một môi trường làm việc thân thiện nơi mọi người có thể tin tưởng, hỗ trợ và tôn trọng lẫn nhau. Ngoài ra, Aon còn có chính sách ghi nhận và tưởng thưởng thích đáng cho những cá nhân và nhóm làm việc hiệu quả.
Bộ máy tài chính, kế toán trong doanh nghiệp được ví như những nhà “điều tiết” hoạt động. Trong khi thực hiện các hoạt động quản lý tài chính và kế toán, nhân viên kế toán sẽ góp phần hoàn thiện và gắn kết các khâu quản lý trong doanh nghiệp. Không một bộ phận nào trong doanh nghiệp lại không liên quan đến kế toán. Người ta ví nhân viên kế toán là những người “cùng một lúc có thể đội nhiều chiếc mũ khác nhau và tung hứng nhiều quả bóng khác nhau”.
Theo dddn.com.vn
Các tin khác