Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nên hợp tác hơn nữa

SGTT - Giáo sư Tom Cannon, nhà hoạch định kinh tế nổi tiếng thế giới, và là cố vấn của nhiều thương hiệu lớn toàn cầu như American Express, Goldman Sachs, Microsoft, Airbus, HSBC, Ernst & Young, IBM...trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị về cái nhìn của ông đối với doanh nghiệp và thương hiệu ở Việt Nam

 

Những gì ông thấy ở Việt Nam trong chuyến đi lần này có khác với những gì ông hình dung trước chuyến đi hay không?

Có một điều ở Việt Nam mà tôi thấy và rất ngạc nhiên đó là con người Việt Nam rất có mong muốn cho sự thay đổi. Người ta chấp nhận, đón nhận và sẵn sàng cho sự đổi mới, đó là điều tôi rất mong đợi. Hơn nữa, tôi thấy rằng, con người và xã hội Việt Nam khác hẳn với của Trung Quốc tôi từng biết trước đây. Đó là hai cái hoàn toàn khác nhau... Điều thứ hai mà tôi rất quan tâm và thú vị, là các doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam có tuổi đời rất trẻ. Hơn nữa, họ rất có ý chí và tìm tòi trong công việc… Tôi đã nhìn thấy những điều này ở những con người Việt Nam khi đến đây.

Lời khuyên của ông cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh thế giới đã đổi thay vì khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra?

Tôi mong muốn doanh nhân Việt Nam hãy nhìn về phía trước, đừng để cuộc khủng hoảng bây giờ và những điều tối tăm che khuất và đừng bao giờ sợ hãi. Điều quan trọng, là các doanh nghiệp hãy tập trung đầu tư vào những lĩnh vực họ muốn một cách nghiêm túc và mang tính dài hơi. Doanh nghiệp phát triển đồng nghĩa với nó là một đất nước sẽ phát triển. Cũng như bạn biết, dân số thì trẻ, tốc độ phát triển rất nhanh từ việc đô thị hoá đến các ngành công nghiệp ở Việt Nam là một điều rất ấn tượng với tôi.

Hơn 95% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ. Làm sao để họ có thể áp dụng lời khuyên của ông, một người thực ra chỉ có kinh nghiệm và kỹ năng làm việc với các tập đoàn xuyên quốc gia?

Thực ra tỷ lệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) ở Việt Nam cũng không là điều gì ngạc nhiên vì là 60 – 70% các doanh nghiệp trên thế giới cũng là ở cỡ vừa và nhỏ. Có điều cách biệt là cách thức vận hành của các doanh nghiệp Việt Nam khác với các doanh nghiệp mà tôi đã từng đi làm và biết ở các nước khác. Sự khác nhau nằm ở chỗ, các doanh nghiệp Việt Nam luôn luôn mong tới sự phát triển, hợp tác với bên ngoài nhưng chắc chắn sẽ có những hạn chế nhất định bởi vì những điều kiện đặc biệt ở Việt Nam. Thứ hai, giữa các DNVVN ở Việt Nam nên có sự hợp tác với nhau hơn nữa, nên thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, bởi trong lúc hợp tác họ có thể học hỏi, trao đổi được rất nhiều điều với nhau để cùng phát triển. Nhiều khi các doanh nghiệp Việt Nam có sự hợp tác, liên kết rất ít. Điều này khác với các doanh nghiệp nước ngoài.

Ông có biết thương hiệu của các sản phẩm gạo, cà phê, tiêu, hay cá basa của Việt Nam, những mặt hàng mà Việt Nam luôn là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất trên thế giới hay không?

Tôi đã đi khắp nơi trên thế giới, từ châu Mỹ, châu Âu đến châu Á và có thể gặp, uống cà phê Brazil, Argentina, Columbia… nhưng tuyệt nhiên không thấy quán nào bán cà phê Việt Nam mặc dù Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới.

Nói đến Nhật Bản, người ta nghĩ đến Sony hay Panasonic, hay Hàn Quốc thì liên hệ tới Samsung hay Daewoo. Nhưng nói đến Việt Nam, người ta không nhớ ra bất cứ thương hiệu nào. Đây là cả một câu chuyện dài và đòi hỏi một thời gian khá lâu mới có thể giải quyết. Xây dựng thương hiệu của riêng Việt Nam là rất cần thiết. Thay vì cứ đi gia công sản xuất cho các hãng nước ngoài, Việt Nam cần có thương hiệu của riêng mình. Như vậy mới không bị ảnh hưởng, chẳng hạn khi hãng đó chuyển nhà máy sang quốc gia khác.

Việt Nam có những lợi thế mà một số nước Đông Nam Á không có được. Nhưng bản thân Việt Nam lại không phát huy được những lợi thế của mình. Ví dụ như, sức liên kết của các công ty rất nhỏ và hạn chế cho nên đưa ra thương hiệu của Việt Nam trên thế giới là không có. Đây là điều mà Chính phủ và các doanh nghiệp nên suy nghĩ một cách nghiêm túc.

Ông là một trong những học giả đến Việt Nam diễn thuyết về vấn đề doanh nghiệp và thương hiệu. Ông đánh giá thế nào về thính giả Việt Nam so với các thính giả khác trong khu vực?

Khi tôi nói ở Hong Kong, Dubai hay Singapore – những nền kinh tế phát triển, người nghe thường chú tâm đến những gì tôi nói. Họ không bị phân tán. Còn ở những nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, nhiều khi nói những vấn đề này, mặc dù tôi đã dùng những ngôn từ rất bình dân, nhưng tôi cảm nhận được có một số người không mấy chú tâm. Trong quá trình thuyết giảng, tôi có để ý khuôn mặt của người nghe, thì thấy những người trong khu vực họ có nét mặt thanh thản. Còn ở Việt Nam thì không.

Tư Giang (thực hiện)



 



Các tin khác