Chính sách thuế TNDN đang dần cải cách tạo thuận lợi cho cộng đồng DN
|
Phương pháp tính thuế TNDN
Bổ sung một số đối tượng có hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có thu nhập chịu thuế TNDN mà các đơn vị này xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh được nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hoá dịch vụ: Tổ chức khác không phải là DN thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam; DN nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp.
Ngoài ra, bổ sung tỷ lệ % thuế TNDN trên doanh thu đối với lãi tiền vay, tiền gửi là 5%. Cụ thể, với đơn vị sự nghiệp, tổ chức khác không phải là DN thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, DN nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp có hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có thu nhập chịu thuế TNDN mà các đơn vị này xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì kê khai nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ như: Đối với dịch vụ (bao gồm cả lãi tiền gửi, lãi tiền cho vay) là 5%. Riêng hoạt động giáo dục, y tế, biểu diễn nghệ thuật là 2%; Đối với kinh doanh hàng hoá là 1% và Đối với hoạt động khác là 2%.
Nếu so với trước đây, theo quy định của Bộ Tài chính chỉ có đơn vị sự nghiệp được nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hoá dịch vụ và chưa quy định cụ thể tỷ lệ % thuế TNDN trên doanh thu đối với lãi tiền vay, tiền gửi.
Xác định thu nhập tính thuế
Từ 2-8, Bộ Tài chính mở rộng cho một số chi phí của DN được khấu trừ thuế TNDN như: Chi phí trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp của doanh nghiệp thẩm định giá, DN cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập theo đúng quy định của Bộ Tài chính; Khoản chi tài trợ nghiên cứu khoa học; chi tài trợ theo chương trình của Nhà nước dành cho các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nếu có đầy đủ thủ tục hồ sơ quy định. |
Kể từ 2-8, chính thức bỏ việc xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để cho biếu tặng vì so với quy định trước đây hàng hóa, dịch vụ dùng để cho biếu tặng đựơc xác định theo giá bán của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương trên thị trường tại thời điểm cho biếu tặng.
Đồng thời, bổ sung thời điểm xác định doanh thu tính thuế đối đối với lĩnh vực đã gây nhiều vướng mắc cho cả cơ quan Thuế, DN trong quá trình thực hiện như: Kinh doanh sân gôn, hoạt động tín dụng.
Theo đó, đối với hoạt động kinh doanh sân gôn là tiền bán thẻ hội viên, bán vé chơi gôn và các khoản thu khác trong kỳ tính thuế được xác định như sau: Với hình thức bán vé, bán thẻ chơi gôn theo ngày, doanh thu kinh doanh sân gôn làm căn cứ xác định thu nhập tính thuế TNDN là số tiền thu được từ bán vé, bán thẻ và các khoản thu khác phát sinh trong kỳ tính thuế…
Đối với hoạt động tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là thu từ lãi tiền gửi, thu từ lãi tiền cho vay, doanh thu về cho thuê tài chính phải thu phát sinh trong kỳ tính thuế được hạch toán vào doanh thu theo quy định hiện hành về cơ chế tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Mặt khác, để tạo thuận lợi cho DN chấp hành pháp luật thuế TNDN, kể từ ngày 2-8, Bộ Tài chính bổ sung thêm 1 điều kiện xác định khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như: Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ (bao gồm hóa đơn GTGT và hóa đơn bán hàng) từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt; Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế GTGT.
Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, DN chưa thanh toán và chưa có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
5 khoản thu nhập của DN được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm
Thứ nhất, Thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới tại Khu công nghệ thông tin tập trung được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực: Ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; phát triển công nghệ sinh học...
Thứ ba, thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường như: Sản xuất thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, thiết bị quan trắc và phân tích môi trường; xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường; thu gom, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn; tái chế, tái sử dụng chất thải.
Thứ tư, DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao.
Thứ năm, thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất (trừ dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dự án khai thác khoáng sản) đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: Dự án có quy mô vốn đầu tư đăng ký lần đầu tối thiểu 6 nghìn tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá 3 năm kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10 nghìn tỷ đồng/năm chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu (chậm nhất năm thứ 4 kể từ năm có doanh thu doanh nghiệp phải đạt tổng doanh thu tối thiểu 10 nghìn tỷ đồng/năm). Dự án có quy mô vốn đầu tư đăng ký lần đầu tối thiểu 6 nghìn tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá 3 năm kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và sử dụng trên 3.000 lao động chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu (chậm nhất năm thứ 4 kể từ năm có doanh thu DN phải đạt điều kiện sử dụng số lao động thường xuyên bình quân năm trên 3.000 lao động)...
Theo: Vietstock