Tính đến ngày 15-5-2017, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh là 796,4 tỷ đồng, đạt 11,1% kế hoạch năm 2017; trong đó vốn Trung ương hỗ trợ giải ngân là 88,8 tỷ đồng (đạt 7,7% kế hoạch), ngân sách địa phương giải ngân là 707,6 tỷ đồng (đạt 11,8% kế hoạch) gồm vốn tỉnh quản lý giá trị giải ngân là 584 tỷ đồng (đạt 12,2% kế hoạch). Trong số ngân sách địa phương giải ngân, vốn ngân sách tỉnh đầu tư tập trung có giá trị giải ngân là 316,8 tỷ đồng, đạt 10,5% kế hoạch; vốn tỉnh hỗ trợ cấp huyện có giá trị giải ngân là 61,3 tỷ đồng, đạt 10,9% kế hoạch; vốn xổ số kiến thiết có giá trị giải ngân 205,9 tỷ đồng, đạt 17,1% kế hoạch; vốn phân cấp theo tiêu chí cấp huyện có giá trị giải ngân 123,5 tỷ đồng, đạt 10,3% kế hoạch.
Đến nay, tỷ lệ giải ngân chung toàn tỉnh vẫn đạt rất thấp, tăng khoảng 3,7% so với thời điểm ngày 15-4-2017 (đạt 7,4%); cùng kỳ năm 2016 đạt 20% (tỷ lệ giải ngân chung của cả nước đến ngày 30-4-2017 đạt 19,2%). Cụ thể, 12 dự án đền bù, giải phóng mặt bằng với tổng vốn bố trí trong kế hoạch năm 2017 là 874,9 tỷ đồng, đến nay chỉ có 4 dự án đang giải ngân với tổng vốn giải ngân là 62,9 tỷ đồng, đạt 7,2% so với kế hoạch, như: Dự án tổng thể bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đường Mỹ Phước- Tân Vạn nối dài về hướng Khu công nghiệp Mỹ Phước II và III, do UBND TX.Bến Cát làm chủ đầu tư, hiện đang tiếp tục thực hiện đền bù; trong năm 2017 TX.Bến Cát sẽ bàn giao mặt bằng. Dự án đền bù đường Mỹ Phước - Tân Vạn do Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư, đến nay đoạn qua TP.Thủ Dầu Một và TX.Thuận An đã bàn giao mặt bằng 99%, còn lại một số hộ liên quan đến vỉa hè đang giải quyết.
Các dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư có tổng vốn bố trí kế hoạch là 1.671,7 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 214,2 tỷ đồng, đạt 12,8% kế hoạch. Từ đầu năm đến nay, có 68 dự án đã được phê duyệt kế hoạch đấu thầu, điều chỉnh kế hoạch đấu thầu với tổng số vốn đã bố trí kế hoạch là 2.321,8 tỷ đồng. Đây là các dự án chưa có khả năng giải ngân trong quý I và II-2017 và dự kiến trong quý III, sau khi tổ chức lựa chọn nhà thầu sẽ tiến hành tạm ứng hợp đồng từ 10 - 50% giá gói thầu theo quy định. Ngoài ra, còn 13 dự án phê duyệt kế hoạch đấu thầu đã bố trí kế hoạch là 490,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, nguồn vốn xổ số kiến thiết do cấp huyện làm chủ đầu tư đạt thấp, như huyện Bắc Tân Uyên mới đạt 0,9%, TX.Thuận An đạt 1,2%, TP.Thủ Dầu Một đạt 3,4%, TX.Bến Cát đạt 5,4%. Tương tự, nguồn vốn tỉnh hỗ trợ cấp huyện cũng đạt thấp, như huyện Phú Giáo 3,4%, TX.Thuận An (3,3%); riêng TX.Bến Cát và huyện Dầu Tiếng con số này bằng không…
Ghi nhận cho thấy, các dự án kéo dài thời gian giải ngân để thanh toán khối lượng hoàn thành năm 2016 nhưng chủ đầu tư đang tiến hành điều chỉnh, bổ sung thiết kế trình cấp thẩm quyền phê duyệt, vì thế chưa tiến hành giải ngân. Điển hình như dự án đường vào Trung tâm hành chính tập trung của tỉnh; dự án đường Cách Mạng Tháng 8 đến đường Nguyễn Tri Phương (TP.Thủ Dầu Một); dự án giải phóng mặt bằng, nâng cấp, mở rộng đường ĐT743...
Quyết liệt gỡ khó
Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương xung quanh tình hình tỷ lệ giải ngân chung toàn tỉnh đạt thấp, ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, nguyên nhân chủ quan là do một số địa phương, Ban quản lý dự án, chủ đầu tư chưa chủ động, quyết liệt và khẩn trương trong việc triển khai thực hiện dự án, nghiệm thu khối lượng và giải ngân kế hoạch đầu tư công được giao; chưa tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh công tác đền bù cũng như các bước thực hiện dự án. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư còn lúng túng, chưa chủ động báo cáo, phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc theo quy định, báo cáo chưa đúng quy định về thời gian; việc phối hợp tham mưu giữa Phòng Tài chính Kế hoạch và Ban Quản lý dự án cấp huyện ở một số địa phương chưa tốt… làm ảnh hưởng đến việc tổng hợp tình hình và tham mưu UBND tỉnh.
Cùng với đó, các dự án sử dụng nguồn vốn phân cấp theo tiêu chí thường là dự án nhỏ, khởi công và hoàn thành trong năm nên các huyện, thị, thành phố tổ chức thanh, quyết toán một lần vào thời điểm cuối năm; trong khi trình tự thủ tục thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian theo đúng quy định. Khó khăn nữa là, sự phối hợp giữa các chủ đầu tư, Trung tâm Phát triển quỹ đất của tỉnh và Hội đồng bồi thường của cấp huyện chưa chặt chẽ dẫn đến việc triển khai thực hiện các dự án chậm. Bên cạnh đó, đa số nhà thầu thi công, chủ đầu tư chậm làm thủ tục nghiệm thu, thanh toán do thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian đã ảnh hưởng tới tỷ lệ giải ngân chung. Mặt khác, một số dự án chuyển tiếp có khối lượng thực hiện đã được bổ sung vốn trong kế hoạch điều hòa năm 2016 nên không có khối lượng thanh toán trong kế hoạch năm 2017.
Về khách quan, các trình tự thủ tục, quy định nhằm triển khai thực hiện Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai còn rườm rà, chồng chéo, mất nhiều thời gian, dẫn đến việc triển khai thực hiện dự án chậm. Theo ông Trúc, mặc dù thực hiện nghiêm quy định của Luật Đầu tư công về nợ đọng xây dựng cơ bản, cùng với đó nhiều dự án đã được quyết định đầu tư rất sớm trong năm 2016 nhưng không thể triển khai các bước tiếp theo do đang bố trí vốn chuẩn bị đầu tư trong năm 2016, phải đợi sang năm 2017 mới có thể tổ chức lập thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, lựa chọn nhà thầu. Chính vì thế, phải sang quý III hoặc IV-2017 các bên liên quan mới triển khai ký kết hợp đồng thi công.
Nhằm thực hiện hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2017, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố, các chủ đầu tư nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 3-5-2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2017 và triển khai một số nội dung trong công tác đầu tư công. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ xử lý các công việc có liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng để chủ đầu tư triển khai thực hiện thuận lợi; Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, người đứng đầu chính quyền địa phương phải phát huy trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện dự án. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố tập trung triển khai thực hiện dự án, nghiệm thu và thanh toán theo kế hoạch được giao, tuyệt đối không dồn khối lượng thanh toán vào thời điểm cuối năm. Đến ngày 13 hàng tháng, các đơn vị phải có báo cáo đầy đủ, chính xác khối lượng thực hiện thực tế tại công trình, khối lượng nghiệm thu và giá trị giải ngân tiến độ thực hiện, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Theo: Baobinhduong.vn