Chia cổ tức theo báo cáo tài chính hợp nhất: Chuẩn không?
Đầu tuần trước, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà nội (HNX) có Công văn số 460 hướng dẫn doanh nghiệp (DN) phải chi trả cổ tức theo con số thấp hơn trong 2 con số là: lợi nhuận công ty mẹ trên báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất và lợi nhuận trên BCTC công ty mẹ. Sự xuất hiện đột ngột của hướng dẫn này đã tạo nên các luồng dư luận trái chiều của các thành viên thị trường.

Theo Công văn số 460, DN thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền phải đáp ứng 2 yêu cầu:

Một là, nguyên tắc chi trả cổ tức theo Điều 93 Luật DN. Tức là, DN chỉ trả cổ tức sau khi đã hoàn thành các nghĩa vụ về thuế, tài chính khác theo quy định của pháp luật, trích các quỹ công ty và bù đắp đủ lỗ trước đó; ngay sau khi trả cổ tức vẫn phải đảm bảo thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.

Hai là, DN phải tuân thủ nguyên tắc kế toán, phải thuân thủ nguyên tắc thận trọng, đảm bảo đủ vốn kinh doanh dù với bất kỳ lý do nào. Ví dụ: trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh có lãi, nhưng báo cáo kiểm toán có ngoại trừ, lưu ý hay giới hạn phạm vi kiểm toán… có ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh (giảm lãi hoặc gây lỗ) thì phải tính giảm trừ tất cả các khoản ảnh hưởng này để xác định lợi nhuận chia cổ tức.

Áp dụng các nguyên tắc nêu trên, HNX yêu cầu: việc thực hiện quyền của công ty mẹ để chi trả cổ tức phải căn cứ trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất. Nếu kết quả kinh doanh trên báo cáo kết quả kinh doanh của công ty mẹ nhỏ hơn trên báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất thì căn cứ trên báo cáo kết quả kinh doanh của công ty mẹ.

Quy định này đã gây bất ngờ cho nhiều DN và nhà đầu tư (NĐT) trên thị trường. Bởi trước đó, vụ Vinaconex chia cổ tức làm quỹ lợi nhuận trên BCTC hợp nhất âm trong năm 2010 đã từng khiến NĐT xôn xao: Vinaconex chia cổ tức như vậy có hợp lý không?

Trước thắc mắc của một số thành viên về Công văn số 460, đại diện HNX cho biết, đây là văn bản hướng dẫn theo Công văn số 508/UBCK-QLPH ngày 18/2/2011 của UBCK.

Lần tìm công văn này, thật bất ngờ, đây là văn bản UBCK trả lời trực tiếp cho Vinaconex. Nội dung Công văn 460 mà HNX hướng dẫn lại cho các DN niêm yết giống hệt Công văn 508 của UBCK, chỉ khác đối tượng thực hiện. Theo đại diện HNX, đây là quy định mang tính thận trọng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, các DN đang thiếu vốn. "Việc đưa ra hướng dẫn này là nhằm đảm bảo các DN khi chốt quyền sẽ có khả năng chắc chắn trả được cổ tức. Chúng ta không thể ngoại trừ được trường hợp DN chốt trả cổ tức ở mức cao, nhưng sau đó lại không có tiền trả cho NĐT dù giá cổ phiếu đã bị điều chỉnh giảm", vị này cho biết.

Với quan điểm này, nhiều ý kiến cho rằng, HNX đã quá thận trọng khi quyết định áp dụng một hướng dẫn cho một DN cụ thể với tất cả các doanh nghiệp khác. Điều này đã nhận được không ít quan điểm trái chiều từ các thành viên tham gia thị trường.

Ông Phan Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Dragon Capital nhận xét: Quy định của HNX phù hợp với thông lệ quốc tế, sẽ làm cho hạch toán tài chính của DN lành mạnh hơn, tránh tình trạng DN biến báo lợi nhuận bằng các bút toán rồi cứ trích tiền chia cổ tức cao. Theo ông Tuấn, tách riêng từng DN trong nhóm công ty mẹ - con thì có thể có DN lãi nhiều, lãi ít hoặc lỗ, nhưng về cơ bản, công ty mẹ vẫn phải chịu trách nhiệm về tính an toàn của cả hệ thống. "Trong ngắn hạn, quy định này sẽ gây ảnh hưởng tới dòng tiền của Quỹ, ảnh hưởng đến lợi nhuận tức thời. Các NĐT  nhỏ sẽ không hài lòng vì họ thích cổ phiếu chia cổ tức cao. Tuy nhiên, về lâu dài, ở tư cách một quỹ đầu tư, chúng tôi thích một DN có tình hình tài chính an toàn hơn", ông Tuấn cho biết.

Ở vị trí độc lập, ông Bùi Văn Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính), Tổng thư ký Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam từng nhấn mạnh: BCTC hợp nhất không phải là BCTC mang tính pháp lý để xử lý các vấn đề tài chính như nộp thuế, phân phối lợi nhuận…, mà phải căn cứ trên BCTC công ty mẹ, vì đây mới là BCTC mang tính pháp lý.

Cùng quan điểm với ông Mai, kế toán trưởng một DN niêm yết hoạt động trong lĩnh vực xây dựng chia sẻ: việc đưa ra hướng dẫn của HNX vào lúc này phù hợp với mong muốn của DN là giữ vốn để tái đầu tư. Tuy nhiên, nếu áp dụng quy định này lâu dài thì có vẻ rất vô lý, vì khi chia cổ tức thì tính theo BCTC hợp nhất, trong khi phân phối các quỹ thì lại căn cứ theo BCTC công ty mẹ. Chưa kể, Chuẩn mực Kế toán Việt Nam số 25 cũng quy định rằng, đối với công ty mẹ đồng thời là công ty con bị một công ty khác sở hữu toàn bộ hoặc gần như toàn bộ và nếu được các cổ đông thiểu số trong công ty chấp thuận thì không phải lập và trình bày BCTC hợp nhất. Khi đó, việc chia cổ tức đối với cùng 1 DN nhưng trong 2 tình huống khác nhau hoàn toàn có thể khác nhau, tùy theo việc DN đó có lập BCTC hợp nhất hay không.

NĐT Lê Bích Phượng tại CTCK SSI phản ứng: "Tin Vinaconex không thể hoàn thành kế hoạch chia cổ tức như dự kiến vì lợi nhuận trên BCTC hợp nhất không đủ chia, dù DN vẫn hoàn thành kế hoạch. Tôi cảm thấy rất bức xúc về điều này. TTCK đi xuống, nhận cổ tức là nguồn tiền quan trọng đối với chúng tôi, không thể có chuyện không trả vì vướng hướng dẫn của UBCK hay HNX".

Hiện có ít nhất 3 DN phải thay đổi phương án trình ĐHCĐ liên quan đến chi trả cổ tức bằng tiền do rơi vào trường hợp lợi nhuận trên BCTC hợp nhất nhỏ hơn lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ. Trong đó, có một DN họ Sông Đà đã phải trả thay đổi phương án dù mức chi trả chỉ thiếu có... 500 đồng so với con số được phép chi trả trên BCTC hợp nhất.

(Theo ĐTCK)


Các tin khác