Luật “ông” nói gà, luật “bà” nói vịt
“Luật Giáo dục 2005 và Luật Đầu tư 2014 có nhiều xung đột, chồng chéo gây khó khăn cho việc thu hút đầu tư” - bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại của Trung tâm Giáo dục Apollo, nhận định. Bà Dung dẫn chứng Luật Đầu tư đã quy định về danh mục hồ sơ cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng Nghị định 73/2012 hướng dẫn Luật Giáo dục cũng quy định về danh mục này. Không những thế, nghị định này còn yêu cầu nhà đầu tư phải nộp đề án tiền khả thi, giải trình kinh tế kỹ thuật.
Chưa hết, Luật Đầu tư đã quy định dự án đầu tư trong lĩnh vực giáo dục đại học (ĐH) không thuộc danh mục thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Chính phủ nhưng Nghị định 73/2012 vẫn đòi phải có chủ trương của Chính phủ. Cụ thể, nghị định này ghi rõ: Dự án đầu tư trường ĐH phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Bà Dung còn nói: “Luật Đầu tư 2014 quy định đối với các dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ và UBND cấp tỉnh thì thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong 15 ngày. Đáng tiếc là trên thực tế, một số cơ quan cấp phép như Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT các địa phương vẫn căn cứ Nghị định 73 để lấy ý kiến thẩm tra rồi mới cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Điều này gây phiền hà, tốn chi phí và thời gian của DN” - bà Dung phản ánh và đề nghị sớm sửa đổi, bãi bỏ một số điều tại Nghị định 73 nói trên.
Cũng khổ sở do thủ tục rườm rà, đá nhau giữa các luật và văn bản dưới luật nên trong thư gửi cho Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn mới đây, chủ một DN kể đơn vị này chỉ chở mấy cây sắt dài 6 m nhưng không thể dùng xe tải to, phải dùng xe nhỏ. Khi dùng xe nhỏ thì cây sắt thừa ra khỏi thùng xe hoặc nếu chở một cuộn sắt thì phải dựng lên, thành ra cuộn sắt cao hơn thùng xe dẫn đến có thể bị phạt.
Để khắc phục tình trạng này, DN phải cắt cây sắt, cuộn thép hoặc cuộn tôn thành những đoạn nhỏ, cuộn nhỏ. Nhưng khi cắt để thuận tiện chuyên chở thì không còn nhãn, tem ở tất cả thanh, cuộn sắt. Thế là các lực lượng chức năng mà điển hình là quản lý thị trường vin vào những cớ bất khả kháng này để phạt DN.
“Quy định về tem, nhãn hàng hóa chỉ phù hợp với thực phẩm, đồ ăn, đồ uống… chứ không phù hợp và gây khó khăn cho DN nhiều ngành hàng khác. Do vậy đề nghị phải xem xét lại quy định về quá khổ, quá tải tại Thông tư 46/2015 của Bộ GTVT cũng như quy định về tem, nhãn hàng hóa tại Nghị định 89/2006 của Chính phủ để tạo thuận lợi cho DN làm ăn đàng hoàng” - đại diện công ty đề nghị.
Ông Bùi Hữu Chỉnh, đại diện Công ty TNHH Đầu tư, Xây dựng và Dịch vụ Tân Đạt (Hà Nội), cho rằng cần bãi bỏ chứng chỉ hành nghề xây dựng vì nhiều người đã học ĐH, có bằng thạc sĩ mà quy định lại buộc họ phải thực hiện các khóa đào tạo để cấp chứng chỉ hành nghề là không hợp lý.
“Đây chính là các giấy phép con nhằm hạn chế quyền kinh doanh của người dân và gián tiếp tiếp tay cho các hành vi vi phạm khác như việc đi mượn chứng chỉ, mượn bằng và dẫn đến hàng loạt hệ lụy khác” - ông Chỉnh nói.
Nhiều điều luật đã lạc hậu
Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho hay trong thời gian gần đây, qua rà soát các điều tại các luật liên quan đến kinh doanh, VCCI nhận thấy có quá nhiều quy định tréo ngoe giữa các luật. Chính điều này dẫn đến tình trạng “ông chẳng, bà chuộc” trong môi trường kinh doanh.
“Bước đầu rà soát 37 luật, tập trung vào các vướng mắc lớn trong các luật có tác động ở phạm vi rộng, kể cả luật mới được ban hành đã phát hiện ra hàng trăm điều luật không đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho người dân và DN. Thực tế có những điều luật đã rất lạc hậu hoặc trùng lặp với Luật DN, Luật Đầu tư và cần phải bãi bỏ hoặc sửa đổi” - ông Tuấn nói.
Chẳng hạn như Luật Thương mại quy định giao Chính phủ quy định chi tiết về hàng hóa cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện là không còn cần thiết vì Luật Đầu tư đã quy định cụ thể danh mục này. Như vậy là trùng lắp và đá nhau khiến DN không biết phải tuân theo luật nào cho đúng.
Nói về thực tiễn các luật liên quan đến DN và môi trường kinh doanh, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận xét Luật DN, Luật Đầu tư đi một đằng, các luật chuyên ngành đi một nẻo; Luật Đầu tư nêu rõ các bộ, ngành không được ban hành điều kiện kinh doanh nhưng các luật chuyên ngành lại vẫn giao bộ, ngành quy định giấy phép; Luật DN chỉ rõ DN không cần con dấu, các luật chuyên ngành lại vẫn yêu cầu DN phải đóng dấu vào tài liệu, giấy tờ gửi cơ quan nhà nước...
“Đây chính là những nút thắt cần phải tháo gỡ sớm để tạo thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của DN” - ông Lộc nhấn mạnh.
Bó buộc nhà đầu tư Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho hay Bộ luật Lao động quy định chỉ cho phép ký hợp đồng lao động có thời hạn tối đa hai lần, mỗi lần không quá 36 tháng; quy định số giờ làm thêm không quá 30 giờ/tháng, không quá 200 giờ/năm; DN phải trợ cấp thôi việc cả trong những trường hợp hết thời hạn hợp đồng… “Quy định như vậy là bó buộc nhà đầu tư trong những điều kiện không hợp lý” - ông Tuấn nói. ------------------------------------------------------------------------------------------------------- Bãi bỏ những nội dung bất hợp lý Luật Đầu tư, Luật DN cùng với Nghị quyết 35/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN là những điều kiện tốt để chúng ta rà soát các luật, quy định liên quan tới đầu tư, kinh doanh. Qua đó tìm ra những điểm bất hợp lý, chưa tương thích với hai luật nói trên để sửa đổi hoặc bãi bỏ nhằm tạo hành lang pháp lý chắc chắn cho DN phát triển bền vững. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà |