Nối tiếp thành công của 10 năm Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên, năm 2018 là năm thứ 11, Ban Tổ chức Cuộc bình chọn quyết định nâng tầm Cuộc bình chọn với tên gọi mới Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết. Cuộc bình chọn thực hiện bởi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) phối hợp cùng Báo Đầu tư dưới sự tài trợ của Dragon Capital.
Ông Lê Hải Trà, phụ trách HĐQT HoSE, kiêm Trưởng ban Tổ chức Cuộc bình chọn cho biết: “Năm nay là năm thứ 11, chúng tôi ý thức sâu sắc về ý nghĩa, vị thế của Cuộc bình chọn cũng như sức ảnh hưởng của nó đối với doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư và thị trường nói chung. Vì vậy, chúng tôi càng quyết tâm nâng tầm uy tín và chất lượng của sự kiện này”.
Năm 2018, số lượng báo cáo thường niên được chấm giảm so với năm 2017 (440 báo cáo so với 638 báo cáo), do Ban Tổ chức chỉ lựa chọn các báo cáo của các doanh nghiệp thuộc Chỉ số VNX Allshare. Đây đều là những doanh nghiệp không bị kiểm soát, có tính thanh khoản và vốn hóa chia theo quy mô lớn (large cap), vừa (mid cap) và nhỏ (small cap).
Theo HoSE, chất lượng Báo cáo Thường niên của doanh nghiệp trên cả 2 sở ghi nhận sự cải thiện thể hiện ở qua điểm trung bình và điểm trung vị của toàn bộ báo cáo năm 2018 cao hơn so với năm 2017 (điểm trung bình của năm 2018 là 52,5% so với 51,2% của 2017, điểm trung vị của năm 2018 là 52,5% so với 50,4% của năm 2017). Trên hầu hết các tiêu chí đánh giá, kết quả năm 2018 cũng đều cao hơn năm 2017.
Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp luôn quan tâm đến việc lập Báo cáo Thường niên và nằm trong nhóm doanh nghiệp dẫn đầu trong các năm trước vẫn duy trì chất lượng Báo cáo Thường niên tốt và nhận được đánh giá cao. Trong đó, có doanh nghiệp còn đầu tư ngày càng chuyên nghiệp hơn, thể hiện qua tỷ lệ điểm số tăng lên rõ rệt, đặc biệt là tỷ lệ điểm trung bình ở Top 50 của toàn thị trường tăng từ 78,3% lên 87,5%.
Điểm sáng cần khích lệ là điểm nội dung cao nhất ở nhóm small cap đạt 92/104 cũng là mức điểm cao, cho thấy một số doanh nghiệp nhỏ đã có sự đầu tư thích hợp cho việc lập Báo cáo Thường niên và thông tin ra bên ngoài.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, kết quả ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ vẫn còn cần nhiều cải thiện. Cụ thể, chất lượng báo cáo nhóm mid cap tương đối đồng đều, nhưng đến gần phân nửa báo cáo của nhóm này vẫn còn nhiều thiếu sót về nội dung. Đáng nói, nhóm small cap vẫn còn khoảng cách khá xa với hai nhóm trên, hơn một nửa doanh nghiệp small cap có Báo cáo Thường niên chưa đạt, thiếu nhiều nội dung theo quy định và cần sự giám sát, thúc đẩy mạnh mẽ để cải thiện nguồn thông tin đến nhà đầu tư.
Đối với Báo cáo Phát triển bền vững, theo ông Nguyễn Viết Thịnh, Trưởng nhóm đánh giá chuyên môn về Báo cáo Phát triển bền vững, kết quả năm nay đáng ghi nhận nhiều điểm sáng với 11 đơn vị làm báo cáo độc lập so với 6 đơn vị của năm trước. Số lượng doanh nghiệp có báo cáo bằng tiếng Anh chất lượng tốt tăng lên. Phần lớn báo cáo trình bày dễ hiểu và hấp dẫn, theo sát tiêu chí của Tổ chức Sáng kiến Báo cáo toàn cầu (GRI).
Mặc dù đã có sự cải thiện đáng kể, song vẫn còn một số báo cáo có nội dung, cấu trúc chưa đầy đủ vì không theo một chuẩn mực nào, nên thiếu những nội dung rất cơ bản. Một số báo cáo (ngay cả nằm trong Top 10) đã tuân thủ theo GRI, nhưng vẫn có các lỗi cơ bản như không nói rõ “cốt lõi” hay “toàn diện”, hoặc nhiều công ty đã đạt được các yêu cầu chung của GRI, nhưng “quên” không tham chiếu các hướng dẫn ngành và một số lỗi cơ bản khác… Những điều này, theo ông Thịnh, nếu được khắc phục, các doanh nghiệp niêm yết sẽ có Báo cáo Phát triển bền vững tốt hơn trong những mùa lập báo cáo sau.
Chấm quản trị công ty chuyên sâu hơn
Năm 2018 là năm đầu tiên, Cuộc bình chọn đánh giá chuyên sâu nội dung Quản trị công ty với bộ tiêu chí riêng được xây dựng dựa trên những nguyên tắc quản trị công ty của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và quy định pháp luật Việt Nam.
Thực hiện chấm nội dung này ở vòng Sơ khảo là nhóm chuyên gia độc lập đến từ Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo (Trường đại học Bách khoa TP.HCM), đơn vị đã trực tiếp tham gia khảo sát đánh giá thẻ điểm Quản trị công ty ASEAN tại Việt Nam trong nhiều năm. Hội đồng chấm không chỉ dựa trên báo cáo thường niên, mà còn đánh giá các nguồn công bố thông tin chính thống khác của doanh nghiệp niêm yết như trang web, các công bố thông tin định kỳ. Đồng thời, để đảm bảo tính xác thực, kết quả sơ khảo sẽ được kiểm toán bởi 4 công ty kiểm toán hàng đầu, gồm Deloitte, KPMG, PwC và Earnt&Young trước khi gửi danh sách đề cử cho Hội đồng Chung khảo.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, đại diện đơn vị chấm sơ khảo Quản trị công ty, điểm trung bình Quản trị công ty của toàn bộ các doanh nghiệp được đánh giá đạt 54,33 điểm, tức đạt 52,2% so với thang điểm tối đa có thể đạt được (điểm tối đa là 104 điểm). Doanh nghiệp có điểm Quản trị công ty cao nhất là 78,7 điểm (đạt 75,6% thang điểm tối đa), doanh nghiệp có điểm Quản trị công ty thấp nhất là 16 điểm (đạt 15,38% thang điểm tối đa).
Kết quả đánh giá cho thấy, ở phần tuân thủ, doanh nghiệp niêm yết đạt được điểm trung bình 45,1 điểm (trên mức điểm tối đa của phần tuân thủ là 70 điểm), tức đạt được 64,4% yêu cầu tuân thủ. Tuy nhiên, mức độ đáp ứng các thông lệ quốc tế tốt còn rất thấp. Các doanh nghiệp niêm yết chỉ đạt được 9,5 điểm cho phần thông lệ, tức đạt 31,7% yêu cầu của thông lệ tốt (phần thông lệ có điểm tối đa là 30 điểm).
Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư đã nhận xét: “Tập trung đánh giá chuyên sâu hơn nội dung quản trị công ty thể hiện quyết tâm của Ban Tổ chức trong việc đổi mới Cuộc bình chọn nhằm khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế để nâng cao tính cạnh tranh và có nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường vốn khu vực và quốc tế”.
Theo ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, kết quả Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2018 đã cho thấy chúng ta đang ở đâu và cần phải làm gì. Trong thời gian tới, Dragon Capital sẽ tiếp tục đồng hành cùng Cuộc bình chọn để đạt những mục tiêu cao hơn, thúc đẩy nâng cao chất lượng doanh nghiệp niêm yết trên nhiều mặt, không chỉ làm tốt Báo cáo Thường niên.