Bất chấp ngành xây dựng đang giảm tốc, một loạt doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh tăng cao

Theo BMI, ngành xây dựng được dự báo năm 2018 sẽ tăng trưởng 9,6%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2018 – 2025 là 7,6% chủ yếu nhờ vào tăng trưởng đầu tư của khối tư nhân và FDI. Một loạt doanh nghiệp đầu ngành như Hòa Bình, CC1, Fecon, VCG đều đưa ra kế hoạch tăng trưởng hơn 20%.

Bất chấp ngành xây dựng đang giảm tốc, một loạt doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh tăng cao

Cạnh tranh gay gắt hơn, tăng trưởng ngành xây dựng đang giảm tốc 
CTCP Xây dựng số 5 (mã SC5) đánh giá, năm 2018, Chính phủ tiếp tục quyết liệt trong tháo gỡ các rào cản để phát triển sản xuất kinh doanh, cắt giảm các thủ tục hành chính, đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm trước…
Đây sẽ là động lực và đòn bẩy cho các  doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào các dự án mục tiêu, thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Vì vậy, các công trình, dự án xây dựng sẽ tăng.
Theo Business Monitor International (BMI)- một tổ chức nghiên cứu, đánh giá về kinh tế, tài chính hàng đầu thế giới có trụ sở tại London, tại thị trường Việt Nam, nhu cầu xây dựng dân dụng vẫn duy trì cao sang năm 2018, trong đó nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án về năng lượng kỳ vọng tăng trưởng ổn định trong dài hạn.
Báo cáo của BMI cũng chỉ ra rằng, ngành xây dựng Việt Nam sẽ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2018 đạt 9,6% cao hơn mức bình quân 7,6% được dự báo cho giai đoạn 2018 – 2025, chủ yếu nhờ vào tăng trưởng đầu tư của khối tư nhân và FDI.

Nguồn: Trích Báo cáo của Tổng Công ty Xây dựng số 1 – CTCP
Số lượng công trình xây dựng sẽ tăng nhưng cạnh tranh ngày một gay gắt hơn, cùng với những dấu hiệu chững lại của thị trường bất động sản qua đó tác động đến mảng xây dựng dân dụng sẽ khiến cho tăng trưởng của ngành chững lại.
Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của CTCP Xây dựng Coteccons (mã CTD), trong báo cáo thường niên năm 2017 vừa được công bố cho rằng: Năm 2018 sẽ là năm tương đối khó khăn khi thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại, sự cạnh tranh trong ngành xây dựng ngày càng trở nên gay gắt hơn.
Thống kê đến hết năm 2017 cho thấy, số doanh nghiệp xây dựng thành lập mới là 16.000 doanh nghiệp tăng cao nhờ sự hấp dẫn của ngành, tăng 10,6% so với năm 2016, chiếm tỷ trọng 12% số lượng doanh nghiệp trong ngành.
Một loạt doanh nghiệp xây dựng lên kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cao
CTD – đơn vị có doanh thu 27.153 tỷ đồng trong năm 2017 sẽ tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên vào tháng 6/2018. Dù chưa công bố cụ thể về các chỉ tiêu kinh doanh năm 2018, nhưng trước áp lực cạnh tranh gay gắt của ngành, CTD đặt mục tiêu chiến lược của năm 2018 là tập trung phát triển hoạt động kinh doanh cốt lõi, giữ vững vị thế nhà thầu số 1 tại thị trường Việt Nam.
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) – đơn vị đang được xem là ông lớn thứ 2 trên thị trường xây dựng Việt Nam với doanh số năm 2017 thực hiện được là 16.037 tỷ đồng sẽ tiến hành Đại hội thường niên vào ngày 28/4/2018. HBC dự kiến đưa ra kế hoạch doanh thu 20.680 tỷ đồng, ngấp nghé 1 tỷ USD, tăng trưởng 28,9%; lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 1.068 tỷ đồng, tăng trưởng 24,3% so với năm 2016.

  Nguồn: Tờ trình, báo cáo thường niên các doanh nghiệp
Với kế hoạch kinh doanh nói trên, đây là năm thứ 4 liên tiếp HBC duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ở mức gấp mấy lần tăng trưởng chung của ngành.
Tiếp sau CTD và HBC là Tổng Công ty Xây dựng số 1 – CTCP (mã CC1) đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2018 với kế hoạch doanh thu 6.771 tỷ đồng, tăng trưởng 11,1%; lợi nhuận trước thuế 302,6 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với năm 2017.
Xếp thứ 4 về độ lớn doanh thu trong ngành xây dựng (các doanh nghiệp đang niêm yết và được thống kê), CTCP Xây dựng FLC Faros (mã ROS) đại diện của khu vực xây dựng bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã tiến hành Đại hội thường niên năm 2018 vào đầu tháng 4. Năm nay, ROS đặt kế hoạch doanh thu 5.500 tỷ đồng, lợi nhuận 352 tỷ đồng. Ngành bất động sản du lịch sẽ tiếp tục có sức hút lớn trong năm 2018 vì tăng trưởng ngành du lịch mấy năm gần đây đạt khá cao (30-40%) và có xu hướng đi lên.
Ngoài ra, trong top các doanh nghiệp xây dựng lớn, CTCP Fecon (mã FCN) và Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (mã VCG) cũng đưa ra kế hoạch doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng cao.
Theo đó, FCN đặt kế hoạch doanh thu 3.500 tỷ đồng, tăng 50,86%; lợi nhuận trước thuế 272 tỷ đồng, tăng 22,5% so với năm 2017. Còn VCG - công ty mẹ đặt kế hoạch doanh thu gần 4.492 tỷ đồng, tăng 20,8%; lợi nhuận sau thuế đạt 491 tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước.

  Nguồn: Số liệu tờ trình, báo cáo thường niên các doanh nghiệp
 Theo: Bizlive.vn


Các tin khác