Báo cáo kinh doanh quốc tế (Grant Thornton International Business Report - IBR) này được thực hiện trên 3.000 doanh nghiệp tại 40 quốc gia.
Trong các nhóm nước được báo cáo trên khảo sát, thì nhóm các nền kinh tế phát triển G7 có mức độ gia tăng niềm tin doanh nghiệp mạnh nhất trong quý 1. Trong đó, chỉ số niềm tin doanh nghiệp của nhóm này tăng 28 điểm phần trăm, lên 16% trong quý vừa qua, từ mức -12% trong quý 4 năm ngoái.
Trong đó, niềm tin của các doanh nghiệp Mỹ tăng đặc biệt mạnh, lên 46% từ mức 1%. Tại Nhật và châu Âu, niềm tin tuy đã được cải thiện, nhưng các doanh nghiệp vẫn còn khá bi quan, với điểm số niềm tin -53% đối với các doanh nghiệp ở đất nước mặt trời mọc và -4% đối với các công ty tại “lục địa già”.
Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước, có thể thấy, niềm tin của các doanh nghiệp ở nhóm nước G7 đã giảm đi nhiều, với mức giảm 11 điểm phần trăm so với ở thời điểm quý 1/2011.
Tại nhóm nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương được khảo sát, niềm tin của các doanh nghiệp đã tăng 11 điểm phần trăm, lên mức 2% trong quý 1 năm nay từ mức -9% vào quý 4 năm ngoái.
Việt Nam nằm trong nhóm nước này, nhưng trái ngược với sự tăng điểm trong niềm tin kinh doanh của cả nhóm, niềm tin của các doanh nghiệp tại Việt Nam lại diễn biến theo hướng giảm mạnh.
Trong quý 1 vừa qua, chỉ số niềm tin của các doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ còn 6%, từ mức 34% trong quý 4 năm ngoái, tương đương mức giảm 28 điểm phần trăm. Ngược lại, ở Thái Lan, quốc gia đang trong quá trình phục hồi từ trận lụt lịch sử, chỉ số niềm tin kinh doanh đã tăng lên mức 8% từ mức -52% của quý 4.
“Thật đáng mừng là triển vọng của nhiều doanh nghiệp đã tăng lên trong 3 tháng qua. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng toàn cầu vẫn còn khá mong manh. So sánh với cùng kỳ năm ngoái có thể thấy, thời gian 12 tháng qua là khó khăn như thế nào đối với các doanh nghiệp, và họ vẫn còn phải nỗ lực nhiều”, ông Ed Nusbaum, CEO của Grant Thornton International, phát biểu.
Sự khởi sắc trong niềm tin doanh nghiệp ở nhóm G7 đã nâng điểm số niềm tin doanh nghiệp toàn cầu trong báo cáo IBR lên mức 19% trong quý 1, từ mức 0% trong quý trước đó.
Các nền kinh tế đang phát triển cũng chứng kiến sự cải thiện trong niềm tin doanh nghiệp. Ở nhóm BRIC (gồm 4 nền kinh tế mới nổi lớn nhất là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đại lục), chỉ số trung bình tăng lên 41% từ 34%; ở khối ASEAN, chỉ số tăng lên 27% từ 0%; và ở Mỹ Latin, chỉ số tăng lên 73% từ 61%.
“Tín hiệu phục hồi ở các nền kinh tế phát triển rõ ràng đang có tác động tích cực tới các nền kinh tế mới nổi. Các nền kinh tế như BRIC, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Nhưng khi các nền kinh tế này hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp ở đó cũng trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào sức khỏe của các nền kinh tế phát triển”, ông Nusbaum bình luận.
Riêng đối với trường hợp Việt Nam, ông Ken Atkinson, Giám đốc Grant Thornton Vietnam, cho rằng, các hoạt động hỗ trợ vay vốn, chi phí tài chính, tình trạng thiếu lao động có kỹ năng, khả năng tiếp cận tài chính và tình trạng quan liêu vẫn tiếp tục là những rào cản chính đối với việc cải thiện niềm tin doanh nghiệp ở Việt Nam.
“Thật không vui khi thấy xu hướng niềm tin doanh nghiệp ở Việt Nam không cùng chiều với sự cải thiện của thế giới. Tuy nhiên, các chính sách của Chính phủ Việt Nam dường như đang phát huy tác dụng, thể hiện quả sự giảm tốc của lạm phát và thâm hụt thương mại cùng sự ổn định của tỷ giá. Cùng với sự đi xuống của lãi suất, những yếu tố này có thể sẽ giúp cải thiện niềm tin của các doanh nghiệp trong quý 2 này và thời gian tới”, ông Atkinson nhận xét.
Theo: Vietstock